Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân gia đình liệt sĩ năm 2022
08:03 AM 17/07/2022
(LĐXH)- Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), ngày 16/7, tại thành phố Vinh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng với UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022.
Dự lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương cùng 75 thân nhân liệt sĩ, đại diện 387 liệt sĩ vinh dự đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại diện mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân liệt sĩ tại buổi Lễ
Đảm bảo tất cả người có công đều được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi
Báo cáo kết quả công tác xác nhận người có công với cách mạng tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Công tác xác nhận người có công với cách mạng nói chung, xác nhận liệt sĩ nói riêng qua nhiều thời kỳ luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, do chiến tranh đã lùi xa, hầu hết các đơn vị, cá nhân không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và người làm chứng không còn... Nhiều trường hợp hy sinh đã mấy chục năm, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh.
“Những hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sĩ là vô cùng to lớn. Đây cũng là động lực để cán bộ, nhân viên ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cần phải nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại buổi dự buổi Lễ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Xuất phát từ tấm lòng tri ân sâu sắc, từ những trăn trở và day dứt của các thế hệ sau đối với anh linh các anh hùng liệt sĩ, với trách nhiệm, lòng biết ơn và phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, sau một thời gian thực hiện giải quyết thí điểm với cách làm sáng tạo nhưng rất thận trọng, tổng kết đánh giá từng bước, từng việc cụ thể, năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kết luận, Chính phủ ban hành Nghị quyết trong đó yêu cầu tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng các Bộ, ngành và các địa phương theo trình tự, thủ tục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước
Trên cơ sở đó, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH với quy trình thực hiện từ quá trình phân loại hồ sơ tới các bước công việc cụ thể từ cơ quan công an, quân đội, cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác Trung ương cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ
Nhân dịp 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhìn lại chặng đường 5 năm triển khai Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH tại các địa phương cho thấy mặc dù có rất nhiều khó khăn, trở ngại do đây là việc chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất cao. Sự tận tâm, tận tuỵ của các cấp, các ngành, của từng người cán bộ làm chính sách trong việc rà soát từng trang, từng dòng chữ đã ố vàng còn sót lại hoặc đã bị xoá mờ theo thời gian; sự quyết tâm không quản ngại đường xá gian nan để gặp gỡ các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội của các liệt sĩ để tìm kiếm, thu thập, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu... Từ đó hình thành lên những cơ sở nhất định trong việc họp, bàn để xem xét, xác minh, kết luận và xác nhận liệt sĩ.
Quá trình gian nan đó bước đầu đã được đền đáp bởi những kết quả vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Cụ thể, sau 5 năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh về sự hy sinh, mất mát vô cùng to lớn của các thương binh, liệt sĩ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Trong số các liệt sĩ được xác nhận phần lớn là sau khi đất nước đã hoà bình được gần 50 năm, có những trường hợp đã hy sinh 70, 80 năm về trước. Những năm tháng đó là những năm tháng đằng đẵng nỗi nhớ khắc khoải, chờ mong của thân nhân và gia đình. Đó là những tia hy vọng mong manh vào điều kỳ diệu rằng người ông, người bà, người cha, người anh, người chồng mình vẫn còn sống. Đó là nỗi xót thương khi tiễn cha, anh lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc nhưng chưa một lần gặp lại. Đó là nỗi niềm đau đáu trong tâm can khi gia đình chưa được đón nhận Tấm bằng Tổ quốc ghi công khắc ghi tên người thân của mình...
“Đợi chờ, hy vọng, rồi lại thất vọng, rồi lại đợi chờ, mong mỏi và cuối cùng được đón nhận tình cảm vỡ oà trong nước mắt của hơn 2.400 gia đình ấy. Có thể nói rằng, sự xúc động là không thể nào tả xiết khi người cha, người chồng, người con mình, hầu hết đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, là những đội viên du kích, dân quân, địch vận, là người dân tộc thiểu số, là những tín đồ tôn giáo, là những thanh niên xung phong cảm tử… chính thức được Tổ quốc vinh danh sau mấy chục năm dài” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ
Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự biết ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội nói chung và việc thực hiện toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình nói riêng trong cả nước.
“Kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời cũng là nghĩa cử, là hành động xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm sâu nặng của những người đang được thụ hưởng nền hoà bình, độc lập, tự do ngày hôm nay với anh linh các liệt sĩ và gia đình, thân nhân các liệt sĩ. Xin thành kính trước anh linh các anh hùng liệt sĩ! Kính mong các anh linh liệt sĩ nhận của chúng tôi tình cảm và sự tri ân sâu sắc!” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chia sẻ.
Niềm vui sau hàng chục năm chờ đợi
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Ngay trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Bộ Lao động - Thương  binh và Xã hội đã trình xác nhận 387 liệt sĩ, trong đó có những trường hợp hết sức cảm động như: Cụ Phạm Khánh, sinh năm 1869, tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An khi đã 61 tuổi. Tài liệu tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cho thấy cụ bị địch bắt giam, số tù 749 khi tham gia hoạt động cộng sản cùng đồng đội, bị địch tra tấn dã man, cụ đã hy sinh trong nhà lao vào ngày 27/9/1931 (đến nay đã trên 91 năm). Hay như liệt sĩ Đinh Công Gấm, sinh năm 1921, là Tiểu đội trưởng Đội Cảm tử quân xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, là người đã dùng súng tự chế xông ra giữa lộ bắn vào đội hình, chặn đánh địch để yểm trợ cho đồng đội.
 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ
Các quân nhân tham gia kháng chiến chống Pháp là Hoàng Hoa, Phạm Văn Trịnh, Nguyễn Văn Năm, những người lính bộ đội Cụ Hồ chiến đấu, anh dũng hy sinh trong trận đánh Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Các đồng chí Võ Văn Xê, Trần Hoàng Nha, Thạch Huỳnh, Triệu Thương… dũng cảm truy quét tàn quân Pôn Pốt giúp bảo vệ chế độ mới và Chính phủ Campuchia. Và còn rất nhiều, rất nhiều các trường hợp khác.
Sau khi nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi công thiêng liêng dành cho ông nội, ông Phạm Bá Tiến (62 tuổi, cháu nội liệt sĩ Phạm Khánh, trú tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), xúc động, cho biết: Hơn 90 năm qua, gia đình ông luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ đối với ông nội - liệt sĩ Phạm Khánh. Tuy nhiên, do ông hy sinh đã lâu, các giấy tờ liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của ông đều không còn lưu trữ được nên chưa thể hoàn thiện hồ sơ.
Niềm vui đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công của các thân nhân gia đình liệt sĩ
“Hơn 90 năm khắc khoải với biết bao lần chờ đợi, hy vong rồi lại thất vọng, hụt hẫng nhưng tới ngày hôm nay, sự chờ đợi gần 91 năm qua đã trở thành hiện thực. Gia đình tôi rất tự hào khi được đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công của ông nội tôi. Đây là tấm Bằng vinh danh, ghi công những đóng góp hy sinh của ông nội cho nền độc lập tự do của dân tộc. Bằng Tổ quốc ghi công hôm nay không chỉ là niềm tự hào của, niềm vinh dự của gia đình tôi mà còn là vinh dự, tự hào của cả dòng tộc, xóm làng và quê hương” - ông Phạm Bá Tiến, phát biểu.
Còn ông Nguyễn Văn Nhân (sinh năm 1974, trú tại xã Thạnh huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), là cháu liệt sĩ Đinh Công Gấm, phấn khởi chia sẻ: Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do gia đình phân tán và cũng không tìm được đồng đội hoặc người biết trường hợp hy sinh của ông tôi nên chúng tôi chưa làm được hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. Nhưng chúng tôi luôn tin tưởng đến một ngày ông sẽ được vinh danh vì Tổ quốc không bao giờ quên những người đã ngã xuống cho sự bình yên của đất nước. Và giờ đây, sau hàng chục năm khắc khoải, chờ mong, gia đình chúng tôi nhận được tấm Bằng Tổ quốc ghi công, ghi nhận cho sự hy sinh của ông tôi. Chúng tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đã giúp đỡ gia đình để ông tôi được Nhà nước tôn vinh. Nhìn vào tấm gương của ông, nhìn vào Bằng Tổ quốc ghi công, chúng tôi thêm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu chào mừng các thân nhân gia đình liệt sĩ và các đại biểu về dự buổi Lễ
Phát biểu chào mừng buổi Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, nhấn mạnh: Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng và Bác Hồ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Trong đó, riêng tỉnh Nghệ An có hơn 45 nghìn liệt sĩ; hơn 56 nghìn thương, bệnh binh, hơn 20 nghìn người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 2.800 mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 500 nghìn gia đình, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến…
Ông Phạm Bá Tiến (cháu nội liệt sĩ Phạm Khánh) chia sẻ tại buổi Lễ
“Tấm gương hy sinh của các anh hùng liệt sỹ luôn là động lực để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục đoàn kết, vững tin, nỗ lực thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp - văn minh; thôi thúc các cấp, các ngành trong toàn tỉnh tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý, cho biết.
Luôn tự hào về sự hy sinh vô bờ bến của các liệt sĩ
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khẳng định: Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công ngày hôm nay thật sự có ý nghĩa khi được tổ chức tại tỉnh Nghệ An, vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao nhà tình nghĩa cho người có công tỉnh Nghệ An
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: Để có đất nước Việt Nam tươi đẹp ngày hôm nay, hàng triệu người con ưu tú, anh dũng của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, không quản ngại thân mình, xông pha nơi chiến trường, dầm mình trong mưa bom, bão đạn để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, giữ gìn độc lập dân tộc. Nhiều người trong số đó đã ngã xuống, nằm lại trong lòng đất quê hương, trong đó nhiều người mới chỉ mười chín, đôi mươi, nhiều người trở về không còn lành lặn, hoặc bị di chứng nặng nề của chất độc hóa học. Sự hi sinh vô bờ bến đó đã đưa lại độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ hôm nay.  Các thế hệ đang sống hôm nay luôn tự hào và đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, những người đã không tiếc máu xương cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho biết: Kể từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 là ngày “Ngày Thương binh”. Sinh thời, Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm đến  công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo nâng cao đời sống, vật chất cho người có công với cách mạng. Tinh thần đó đã và đang được tiếp nối. Suốt 75 năm qua, các chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công lao đóng góp của người có công. Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng, năm 2022 với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao biển tặng nhà tình nghĩa cho người có công
"Với tinh thần Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo người có công, gia đình người có công với cách mạng, trong khoảng thời gian từ năm 2016 - 2021, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của Trung ương đã vận động được hơn 24,8 tỷ đồng, Quỹ cấp của địa phương vận động được gần 6.000 tỷ đồng; phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 70.000 sổ với tổng kinh phí hơn 121,5 tỷ đồng; xây dựng mới gần 43.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 28.500 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.553 tỷ đồng. Đến nay, cả nước có 9,2 triệu người có công bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thông tin.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khẳng định: Nhất quán chủ trương “không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước”, việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc và những nhân chứng lịch sử đã không còn... đang được đẩy mạnh. Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự cố gắng, tập trung của toàn thể các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng… sự tận tụy và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh - xã hội các cấp.
Các đại biểu và thân nhân gia đình liệt sĩ dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Vinh 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khẳng định: Chúng ta, những thế hệ đi sau, xin hứa với anh linh, hương hồn những người đã mất rằng, Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mong rằng, bằng việc xác nhận liệt sĩ và nhận Bằng Tổ quốc ghi công, các gia đình và thân nhân liệt sĩ sẽ được bù đắp phần nào những đau thương, mất mát không có gì có thể bù đắp được.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác người có công, tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư. Tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan, các địa phương, nâng cao năng lực hiệu quả, thực hiện tốt hơn nữa chính sách người có công với cách mạng, đảm bảo chặt chẽ thấu lý, đạt tình, đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung; đẩy mạnh tìm kiếm hài cốt, xác minh thông tin liệt sĩ còn thiếu thông tin để huy động mọi nguồn lực thực hiện tốt hơn công tác đền ơn, đáp nghĩa...
Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công - những người đã có nhiều đóng góp, hy sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan thắp nén tâm nhang tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ
Tại buổi Lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao 20 căn nhà tình nghĩa tới người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ tỉnh Nghệ An, mỗi căn nhà trị giá 70 triệu đồng.  
Trước khi diễn ra Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Nghệ An cùng các đại biểu, đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ hương hồn các anh linh liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Vinh.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu cũng đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà một số gia đình chính người có công, mẹ Việt Nam anh hùng tại thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An).

Trần Thắng

 

TAG:
Tin khác
Hơn 100 đại biểu dự hội nghị về công tác tài chính do Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức
Tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Ba Tri
Bắc Giang: Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
Bắc Giang: Đẩy mạnh Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người dân thoát nghèo tại huyện Sơn Động
Bắc Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc