Giải trí
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Giải trí
Train to Busan: Khi người sống còn đáng sợ hơn cả Zombie!
08:55 AM 27/08/2016
(LĐXH) Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử) là tác phẩm mới nhất của các nhà làm phim Hàn Quốc về chủ đề sinh tồn sau các phim Snowpiercer (hậu tận thế) hay The Host (Quái Vật). Một lần nữa, bộ phim này đã chứng minh thế mạnh của dòng phim tâm lý Hàn là lấy đi nước mắt của đông đảo khán giả tới xem.

Giống như tên gọi, bối cảnh phim xoay quanh đoàn tàu tốc hành đến Busan, đôi chỗ thay bằng những nhà ga, trạm nghỉ chân tạm thời trước khi tàu tiếp tục chuyển bánh. Tình tiết mở đầu phim được đẩy lên rất nhanh, vấn đề dịch bệnh zombie bùng phát cũng bắt đầu ngay sau những phút đầu tiên của phim, biến chuyến tàu tốc hành từ Seoul đến Busan thành một cuộc đua sinh tử giành lấy sự sống. Những nhân vật có mặt trên chuyến tàu cũng được giới thiệu dần dần, từ một người bố mải bận rộn với công việc phải đưa con gái đến gặp vợ cũ, ông chồng cục mịch nhưng hết lòng thương yêu người vợ đang mang bầu, đôi tình nhân tuổi teen trẻ con, 2 chị em ruột trung niên hay một vị CCO của công ty vận tải nọ. Khi bước chân lên tàu, họ vẫn không hay biết gì về thảm họa xác sống sắp xảy ra, và rồi thông qua việc chạy trốn khỏi những hành khách bị zombie hóa khác, tính cách của từng người đã nổi bật lên một cách rõ ràng.
Trong bộ phim này, zombie chỉ là cái nền để nhấn mạnh tình cảm gia đình và tình người giữa các nhân vật phải vật lộn để sống sót, đồng thời hé lộ một sự thật rằng đôi khi, lòng dạ con người còn dã man hơn những con zombie điên dại. Nhân vật người bố ban đầu đã dạy con mình rằng luôn phải bảo vệ bản thân đầu tiên, nhưng sau đó đã nhận ra rằng đó là sự ích kỉ và nhỏ nhen không đáng có. Có cùng suy nghĩ với anh ta là nhân vật ngài CCO của một công ty vận tải, nhưng bản tính đê hèn, thủ đoạn của ông ta không thay đổi trong suốt bộ phim, sẵn sàng đẩy người khác ra chết thay cho mình. Một trường đoạn nữa thể hiện sự máu lạnh, tàn nhẫn để bảo vệ sự sống còn của bản thân chính là đoạn đoàn người sống sót ở ‘’toa an toàn’’  từ chối và đuổi nhóm hành khách đang bị zombie đuổi bắt ra khỏi toa tàu của họ chỉ vì nghi ngờ nhóm này đã bị nhiễm bệnh. Hành động mạt sát, xua đuổi đến táng tận lương tâm của họ với những người cùng cảnh ngộ đã khiến cho nhiều người xem vô cùng bất bình và phẫn nộ.
Nhưng trái ngược với sự vô lương tâm đó lại là đức hi sinh, xả thân vì người khác của những nhân vật tuyến chính trong phim. Dù là một phụ nữ đang mang bầu, một cậu học sinh hay một anh trưởng tàu trói gà không chặt, họ đều sẵn sàng chạy lại giúp đỡ những người tụt lại phía sau, dù phải mạo hiểm cả tính mạng mình. Những trường đoạn khiến khán giả xúc động và rơi lệ nhiều nhất chính là cảnh từng nhân vật hi sinh bản thân mình để bảo vệ những người yếu thế hơn. Họ có thể không là ai nổi bật trong xã hội, nhưng trên chuyến tàu sinh tử đó, họ đã trở thành những anh hùng vô danh để người họ yêu thương được sống. Trong số đó phải kể đến người chồng cục mịch đã xả thân chặn đánh lũ zombie tràn vào toa tàu, chỉ kịp nói với vợ tên đứa con gái sắp chào đời của họ trước khi bị zombie hóa. Người đàn ông vô gia cư khùng khùng và vụng về tưởng chừng như vô dụng cũng bất ngờ hi sinh chính mình để người phụ nữ mang bầu và một bé gái thoát nạn khỏi 2 toa tàu đang đổ sập vào nhau. Cuối cùng, nhân vật người bố mà ai cũng chắc mẩm là sẽ sống sót đến hết phim, cũng chiến đấu và bị nhiễm bệnh để bảo vệ con gái mình. Giây phút anh nhắn nhủ với cô bé, rồi đứng ra lan can tàu, nhớ lại khoảnh khắc con gái chào đời trong khi phát bệnh rồi nhảy xuống đất tự sát, chắc chắn sẽ là một trong những khoảnh khắc xúc động và đau buồn nhất trong phim. Có thể nói, giữa sự độc đoán, ích kỷ và vô tâm vẫn tồn tại tình yêu thương, lòng vị tha và đức hi sinh vì người khác.
Tuy vậy, do phim quá chú trọng vào diễn tả tâm lý nhân vật và khai thác câu chuyện của từng cặp nhân vật nên phần kỹ xảo, phục trang có phần hơi sơ sài và chưa được đầu tư đúng mức. Vết máu trên người nhân vật nhìn hơi giả, cùng một số phân cảnh phát nổ ở nhà ga vẫn cho người xem cảm giác gượng gạo. Bên cạnh đó, kịch bản cũng có môt số lỗ hổng nhỏ như người phụ nữ mang bầu có thể chạy đường dài, leo lên thanh để đồ trên xe bus một cách dễ dàng mà không bị ảnh hưởng đến thai nhi, hay đoạn cả một đoàn zombie đuổi bắt 3 nhân vật sống sót cuối cùng mà không đuổi kịp họ, dù tốc độ của zombie khá nhanh và hung hãn. Nhưng vì nội dung phim không tập trung vào zombie hay những đại cảnh lớn, nên các lỗi này đều có thể thông cảm và cho qua được. Nhìn chung đây vẫn là một bộ phim có tình tiết chặt chẽ, dễ hiểu và khai thác tâm lý nhân vật rất tốt.
Ra mắt ở Hàn Quốc ngày 20/7, Train to Busan trở thành hiện tượng ăn khách. Sau ba tuần công chiếu, tác phẩm lập kỷ lục phim Hàn đầu tiên thu hút hơn 10 triệu lượt người xem đến phòng vé nội địa. Bộ phim cũng rất được chào đón tại Việt Nam với rất nhiều review khen ngợi và những comment muốn xem lại lần 2 từ phía khán giả. Dù đi theo mô tuýp zombie như rất nhiều phim Hollywood khác, nhưng Train to Busan đã khai thác được những khía cạnh mới mẻ, không sa đà vào việc diệt zombie hay chủ nghĩa anh hùng cứu thế giới. Đây xứng đáng là một ‘’bộ phim quốc dân’’ của xứ sở Kim Chi, đủ tầm vóc để cạnh tranh được với nhiều bộ phim bom tấn khác trên thế giới.
Minh Ngọc
TAG:
Tin khác
Đan Trường và vợ doanh nhân: Ly hôn ba năm vẫn đồng hành
Hòa Minzy nhập viện cấp cứu
Sơn Tùng - Hải Tú đi từ thiện ở Làng Nủ
Nhất Hương làm Bánh điêu khắc 3D gửi lời chúc tới Nguyễn Xuân Son bằng thơ Lục Bát
Chuỗi phim Ghibli khuấy đảo phòng vé ra rạp chiều lòng fan phim anime
Vợ chồng tỷ phú Bích Tuyền quyết kiện Đàm Vĩnh Hưng đến cùng
'Sân chơi' thúc đẩy thế hệ trẻ gìn giữ và lan tỏa văn hóa Việt
Vietnam Airlines triển khai dịch vụ check-in thẳng chuyến bay quá cảnh Hong Kong
'Shogun' vượt 'Squid Game', giành 4 giải Quả Cầu Vàng 2024