Đồng thời, hỗ trợ kịp thời, bồi dưỡng cho nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung nguồn lực triển khai chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2020.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Liên – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: Sơ kết 5 năm (2011-2015) thành phố cơ bản hoàn thành 16/26 mục tiêu Chiến lược về bình đẳng giới, trong đó kết quả mục tiêu 1 về “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” với tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 tăng 2,9%, đạt 21,7%, cấp quận – huyện đạt 20,32%, tăng 4,92%; cấp phường – xã – thị trấn đạt 35,10%, tăng 2,0%.
Nhiệm kỳ 2016-2020 tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp thành phố đạt 43,8%, quận – huyện đạt 39,3% và cấp phường – xã – thị trấn đạt 40,0%. Tỷ lệ cán bộ nữ chủ chốt các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tăng lên 84,65% đơn vị so với năm 2015.
Bà Liên cũng cho rằng: Những kết quả đó là dấu ấn quan trọng trong chặng đường 10 thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế định kiến giới vẫn còn là những thách thức, vai trò của nữ giới bị hạn chế như: phụ nữ làm chính trị, vị trí lãnh đạo cũng có yếu điểm là “tính phụ nữ”, phải thực hiện chức năng làm mẹ, làm vợ, tề gia nội trợ nên so với nam giới sẽ không phát huy hết năng lực, vị trí đảm nhiệm...Do đó, đối với nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cần kịp thời hỗ trợ của người đứng đầu đơn vị và bản thân họ cũng phải nỗ lực.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Theo bà Nguyễn Thị Lập Quốc – Nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm qua vấn đề nâng cao chất lượng nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là vấn đề đặt ra ở nhiều góc độ như số lượng, chất lượng từng nhiệm kỳ. Về cơ bản giải pháp quan trọng là cần nâng cao về nhận thức của xã hội, trong đó ngay tại các cơ quan, đơn vị mà nữ cán bộ công tác cũng có những chuyển biến về nhận thức. Bên cạnh đó, cần chú trọng vai trò của các cấp ủy Đảng, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ có định hướng quy hoạch, đề xuất và phân bổ đơn vị ứng cử đảm bảo tỷ lệ nữ đại biểu.
Mặt khác, vai trò của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cũng phải tự rèn luyện, đủ năng lực trong lĩnh vực mình chuyên trách và cố gắng đảm nhiệm vai trò đại biểu Hội đồng nhân dân trong 2 nhiệm kỳ, vì đó mới là thời gian đảm bảo cho sự hiểu biết, nắm rõ vai trò để thực hiện được nhiệm vụ, trọng trách là đại biểu của mình.
Đề cập đến hiệu quả giám sát của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân, Th.S Nguyễn Thị Khánh Tâm – Phó Chủ tịch thường trực, kiêm ban Biên tập Website Hội Nữ tri thức TPHCM cho rằng: Với cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ trong vai trò là đại biểu Hội đồng nhân dân cần khả năng nỗ lực của bản thân đồng thời hình thành được mạng lưới kết nối cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ là đại biểu hội đồng nhân dân các cấp và trao đổi về các hoạt động thông tin chủ trương, chinh sách mới, tập huấn chuyên biệt cho nữ đại biểu; xây dựng đội ngũ cộng tác viên có khả năng kết nối giữa đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri trong tích cực nắm bắt thông tin.
Song song đó, phân cấp nội dung, vấn đề giám sát phù hợp cho từng cấp, rạch ròi giữa giám sát và kiểm tra và xây dựng hệ thống công cụ quản lý, theo dõi nâng cao hiệu quả giám sát...
Thương Hoài