Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
TP.HCM: Nhiều khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm
01:37 PM 08/07/2016

(LĐXH) - Ngày 8/7/2016, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết 6  tháng đầu năm 2016 về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia đông đủ các phòng, ban, đơn vị và các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

 

 

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM phát biểu tại Hội nghị

 

Tại Hội nghị, ông Huỳnh  Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố hiện nay đang diễn biến phức tạp, hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” như cơ sở massage, xông hơi, xoa bóp, nhà hàng, karaoke, quán bar, beer club, vũ trường...Hoạt động của mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới hoạt động mại dâm và mại dâm có yếu tố nước ngoài (trong đó kể cả người nước ngoài mua dâm và bán dâm) thông qua hình thức chào hàng, môi giới mại dâm trên mạng internet, điện thoại ngày một gia tăng.

Tình trạng trên đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để xử lý thống nhất, đồng bộ. Mặt khác, tệ nạn mại dâm cũng làm gia tăng các băng nhóm, tội phạm hoạt động mại dâm, môi giới, bảo kê, cho vay nặng lãi và tội phạm mua bán người.

Cũng theo ông Khiết, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, dù các cấp chính quyền thành phố đã cụ thể hóa để đưa vào chương trình, nghị quyết, kế hoạch triển khai nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thành phố gặp khó khăn khi các đối tượng hoạt động mại dâm hiện nay có hiểu biết các quy định pháp luật, khi bị cơ quan Công an bắt thì chỉ bị xử phạt hành chính chứ không áp dụng biện pháp “đưa người vào cơ sở chữa bệnh hoặc chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương” nên họ ngang  nhiên thực hiện hành vi trao đổi, ngã giá mua bán dâm, vi phạm luật nhiều lần.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện nay còn nhiều bất cập như: không quy  định về xác minh nhân thân và địa chỉ kinh doanh khi cấp giấy phép kinh doanh tạo điều kiện cho chủ cơ sở dù bị xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa-  xã hội, tệ nạn xã hội dễ dàng sang tên đổi chủ để né tránh đóng phạt và tái phạm. Còn công tác hậu kiểm sau khi cấp phép của cơ quan cấp phép lại bỏ ngõ, chưa thường xuyên.

 

 

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị

 

Việc tổ chức triển khai bản cam kết phòng, chống mại dâm đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở các địa phương chưa được toàn diện, chỉ có 8.146/17.545 cơ sở thực hiện, chiếm 46%. Nguyên nhân chủ yếu  là do các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không phù hợp với tình hình thực tế, gây khó khăn cho việc điều chỉnh, sửa đổi và dễ bị lợi dụng để phát sinh tệ nạn mại dâm.

Trước những vướng mắc, tồn tại đó, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi nhiều giải pháp cho công tác này đạt hiệu quả. Đại biểu Phạm Quang Dũng – Trưởng Đoàn 1 liên Ngành văn hóa – xã hội (Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất: Trên thực tế các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhất là loại hình karaoke, beer club...có nhiều cách hoạt động tinh vi, trá hình khiến cơ quan chức năng khó căn cứ vào các văn bản pháp lý đã không phù hợp với thực tế để xử lý nên cần tăng cường các chế tài về kiểm tra, xử phạt đối với những loại hình này.

Bên cạnh đó, thành phố tăng cường công tác kiểm tra về phòng cháy chữa cháy và thi hành xử phạt hành chính đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vi phạm để tạo tính nghiêm minh, răn đe và trấn áp được. Đồng thời, xây dựng thiết chế văn hóa, môi trường văn hóa để tạo được khu vui chơi lành mạnh nhằm lôi kéo nhiều người đến cùng tham gia hưởng ứng sẽ hạn chế được việc tìm đến những cơ sở hoạt động trá hình mà thực chất là hoạt động tệ nạn mại dâm.

Ở góc độ chính quyền cơ sở, địa phương, ông Nguyễn Văn Ngỡi – Phó phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận 12 kiến nghị: Cấp chính quyền phải phối hợp đồng bộ, quyết tâm vào cuộc triệt kể đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm. Đã làm là có sự chỉ đạo từ trên xuống dưới và kiên quyết xử lý vi phạm. Tại quận 12 với cách làm này, 6 tháng đầu năm 2016 đã xử phạt vi phạm 115 quán, điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, trong đó đã ban hành 57 quyết định xử phạt hành chính với hình thức “kích dục”, thu gom 20 gái mại dâm trên các địa bàn trọng điểm của quận như dọc tuyến quốc lộ 1A, phường Thạnh Xuân...

 

 

Các đại biểu trao đổi giải pháp về phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố 


Với việc cấp phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ông Ngỡi phản ánh có tình trạng cấp phép dễ dàng và các cơ quan ban ngành không phối hợp chặt chẽ với địa phương để nắm bắt rõ từng cơ sở nên khi “có vấn đề” các cơ sở này có thể “xoay chuyển” bằng cách có giấy phép mới, sang tên nên khi xử lý gặp nhiều khó khăn.

Các đại biểu cũng thống nhất giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong 6 tháng cuối năm 2016 cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng phòng, chống tệ nạn xã hội. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động thí điểm mô hình “Chúng tôi là phụ nữ” và thí điểm mô hình “đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ”; thống kê tụ điểm, tuyến đường phát sinh tệ nạn mại dâm, kích dục nơi công cộng để đấu tranh quyết liệt, triệt phá nhằm xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh.

Song song đó, triệt phá các ỏ nhóm hoạt động mại dâm và xử lý 100% vụ việc vi phạm được phát hiện; từng bước kéo giảm 23 tụ điểm, tuyến đường phát sinh tệ nạn mại dâm...Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hậu kiểm sau khi cấp giấy phép cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2016, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm tại thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả như: thanh kiểm tra 2.767 lượt cơ sở và phát hiện 1.288 lượt cơ sở vi phạm về tệ nạn mại dâm, trong đó rút giấy phép kinh doanh là 136 lượt cơ sở, đình chỉ kinh doanh là 8 lượt cơ sở, cảnh cáo 35 lượt cơ sở và phạt tiền 1.216 lượt cơ sở. Tổng số tiền phạt là 16.277 triệu đồng.

Tổ chức truy quét 729 cuộc và bắt giữ 100 đối tượng, trong đó có 85 đối tượng liên quan đến tệ nạn mại dâm. Tổng số người vi phạm về hoạt động mại dâm là 362 người, có 317 người bị xử lý vi phạm hành chính, 45 người bị xử lý hình sự. Tổng số vụ liên quan đến mại dâm được viện kiểm soát xét xử là 26 vụ với 25 vị can, trong đó có 20 vụ bị truy tố với 31 bị can. Tòa án các cấp thụ lý, xét xử 17 vụ với 24 bị can.

 

                                                                                                                                                                                                  Thương Hoài

 

TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương