Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ khai trương Tổng đài 111
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất cứ một điều khoản nào. Kể từ đó tới nay, hệ thống pháp luật quy định việc thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam liên tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013 và Luật trẻ em năm 2016 đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ bản đồng bộ.
Đại diện trẻ em cùng tham gia vào các vấn đề liên quan đến bản thân các em
Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm phòng ngừa và giải quyết bạo lực, xâm hại trẻ em. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Bộ luật Hình sự cũng đã quy định các biện pháp nghiêm khắc xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. “Tuy nhiên, điều đáng buồn là hàng năm, trung bình còn hàng nghìn trường hợp trẻ em bị tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phần lớn là do đuối nước và trẻ em bị xâm hại. Trong thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em gây hoang mang và bức xúc trong dư luận. Đã đến lúc chúng ta không chỉ dừng lại ở kêu gọi sự sẻ chia mà cần yêu cầu mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, mỗi bậc cha mẹ, anh chị phụ trách phải xắn tay vào hành động ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm trên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu, đại diện trẻ em chính thức bấm nút khai trương Tổng đài 111
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với ba số 111, tạo cảm nhận hàng đầu như chính ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và các Bộ ngành, các tổ chức cũng như toàn cộng đồng đối với sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tổng đài 111 nhằm mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Việc khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thực hiện tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và các em qua điện thoại là sự kiện quan trọng góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em... “Được nâng cấp từ Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã có hơn 13 năm hoạt động, tôi tin tưởng rằng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ luôn là “người bạn đồng hành cùng trẻ em” và tất cả mọi người quan tâm đến bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, xâm hại”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ luôn là người bạn đồng hành cùng trẻ em
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổng đài 111 sẽ kết nối tự động với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để tiếp nhận nhanh các cuộc gọi đến, đồng thời, tổ chức này sẽ chủ trì với các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo chính quyền địa phương để xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em./.