Tội phạm xâm hại trẻ em ở Bình Dương chưa có chiều hướng giảm
(LĐXH)- Qua thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tội phạm xâm hại trẻ em chưa có chiều hướng giảm. Tình hình tội phạm này tiếp tục diễn biến phức tạp, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục chiếm tỷ lệ cao (88%) so với các loại tội phạm xâm hại trẻ em khác.
Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh Bình Dương, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nỗ lực rất lớn trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; đấu tranh, phòng chống vi phạm, tội phạm nói chung và tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng nhưng tình hình diễn biến của tội phạm vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Một trong những phương thức, thủ đoạn mới hiện nay về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở Bình Dương là với sự phát triển của công nghệ thông tin, các hình thức giải trí trên mạng xã trở nên phong phú và hiện đại, trong đó mạng xã hội Facebook, Zalo… được nhiều giới trẻ sử dụng. Thông qua các trang mạng xã hội, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã tìm hiểu, làm quen, từ đó lợi dụng sự non nớt của trẻ em để lôi kéo, rủ rê, dẫn nạn nhân đến những nơi vắng, khách sạn, nhà nghỉ… để thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Lợi dụng mối quan hệ quen biết với gia đình bị hại và khi người thân, cha mẹ bị hại vắng nhà, các đối tượng vào nhà hoặc dụ dỗ bị hại để thực hiện hành vi hiếp dâm.
Để phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực công tác trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng. Đồng thời, lồng ghép các mục tiêu về trẻ em vào Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh. Từ đó, các cấp, các ngành, các tổ chức và các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em.
Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục như: tổ chức hội nghị tập huấn, lồng ghép trong tập huấn bồi dưỡng kỹ năng kiến thức cho thanh thiếu niên, cho giáo viên tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và các nội dung pháp luật có liên quan bằng hình thức tuyên truyền miệng, tờ rơi, trên hệ thống thông tin đại chúng như báo, đài từ tỉnh đến cơ sở.
Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em tại cấp tỉnh, huyện và một số xã điểm nhằm phát động tới toàn thể nhân dân, các tổ chức cá nhân hưởng ứng, cam kết trong việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là ngăn ngừa không để trẻ em bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi và bị tai nạn thương tích.
Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động để thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 100 Diễn đàn trẻ em (gồm cấp huyện 09, cấp xã 91). Qua đó, tạo điều kiện cho các em thiếu nhi được bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, nguyện vọng và những mong muốn đề xuất của mình đối với những vấn đề có liên quan đến các em, thu hút hơn 5.500 trẻ em tham dự. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề hàng quý cho 85 câu lạc bộ “Trẻ em với phòng chống HIV/AIDS” và “Trẻ em với phòng chống tai nạn thương tích” với 10.200 lượt trẻ em tham gia...
Sở Lao động – TBXH Bình Dương Bình Dương cũng phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 100 lớp tập huấn tuyên truyền Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục, trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho 10.000 cán bộ quản lý, giáo viên, trẻ em, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, cán bộ là lãnh đạo các Hội đoàn thể gồm Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, cán bộ phụ trách công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã.
Ngoài ra, các hoạt động vui chơi, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng được Bình Dương quan tâm thực hiện, qua đó đã góp phần đẩy mạnh Phong trào “xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em”, không có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Chỉ tính trong dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm 2022, tỉnh Bình Dương đã tổ chức thăm tặng 2.207 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng, mỗi phần quà trị giá 200.000 đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước; các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí và vận động thăm tặng 16.679 phần quà và học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, tổng kinh phí trên 3, tỷ đồng.
Toàn tỉnh cung đã tổ chức trên 582 điểm vui chơi, giải trí ở cấp tỉnh và tất cả các huyện, thị, thành phố, các xã, phường, thị trấn, một số trường học và đặc biệt là tới cả các khu phố, ấp, nhóm gia đình. Qua đó, thu hút 227.997 trẻ em tham gia với 229.366 trẻ em được nhận quà. Các hoạt động vui chơi đa dạng, phong phú như: hội thi làm lồng đèn đẹp, thả linh đăng, rước đèn, xe hoa diễu hành, phát quà cho trẻ em, phá cỗ Trung thu, biểu diễn văn nghệ, biểu diễn múa Lân - Sư - Rồng, đố vui có thưởng… Tổng kinh phí đầu tư cho Trung thu năm 2022 là 17.823.914.429 đồng, trong đó vận động là 9.643.913.000 đồng, nguồn ngân sách là 8.180.001.429 đồng...
Có thể nói, với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở Bình Dương sẽ tiếp tục tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em. Đồng thời, tạo điều kiện để trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh được chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ, trợ giúp về sức khoẻ, học tập, vui chơi giải trí, phát triển tài năng và hòa nhập cộng đồng, xã hội.
Minh Quang
TAG: