Tọa đàm về Bình đẳng giới “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm’’
(LĐXH) Sáng ngày 3 tháng 3, nhân kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hợp tác với Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức tọa đàm chính sách về Bình đẳng giới với chủ đề “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm tại Hà Nội.
Ban Chủ trì buổi Tọa đàm
Chủ trì tọa đàm là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, bà Shoko Ishikawa, đại diện của UN Women tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Tham gia Tọa đàm còn có gần 100 đại biểu là lãnh đạo và các bộ, ban, ngành của Chính phủ, đại sứ tới từ các nước thành viên trong Liên hợp quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam và các nhà tài trợ.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện có 53,27 triệu lao động có việc làm, trong đó lao động nữ có việc làm chiếm khoảng 48,48% và năm 2016 đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48%. Việt Nam có 73% nữ giới tham gia vào lực lượng lao động đóng góp cho nền kinh tế nước nhà, trong khi chỉ số này ở các nước Đông Nam Á chỉ vào khoảng 65,5%. Với sự phát triển của các ngành kinh tế xuất khẩu, tỉ lệ lao động nữ trong khu công nghiệp sản xuất tăng hơn nhiều so với lao động nam và tỉ lệ lao động nữ có lương, tham gia bảo hiểm xã hội cao hơn nam giới là nhóm chiếm phần đông trong khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, đa số lao động nữ lao động trong khu công nghiệp (dệt, may, da giày....) có trình độ chuyên môn không cao(chiếm khoảng 70% tổng số lao động trong các ngành này). Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công, có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng.
Thêm vào đó, sự tiến bộ về khoa học, kĩ thuật trong các ngành công nghiệp với sự thay thế của máy móc trong các dây chuyền sản xuất làm giảm nhu cầu về nguồn nhân lực, đồng thời tăng yêu cầu về trình độ, kĩ năng của người lao động cũng có tác động tiêu cực tới cơ hội việc làm, tính bền vững và ổn định trong việc làm của lao động nữ. Những định kiến, quan niệm cũ coi thường, đánh giá thấp khả năng của phụ nữ trong công việc cũng dẫn tới nhiều khó khăn để phụ nữ có thể khẳng định chỗ đứng của mình trong xã hội.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo quyền của phụ nữ tại nơi làm việc có vai trò sống còn để thực hiện thành công "Cương lĩnh hành động Bắc Kinh", Chương trình Nghị sự 2030 về Các mục tiêu phát triển bền vững và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.”.
Trong buổi Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về những xu thế, thách thức và đưa ra các khuyến nghị cho việc thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm, hướng đến thực hiện các mục tiêu cụ thể của Chương trình Nghị sự 2030 (SDGs) về trao quyền kinh tế, việc làm bền vững và bình đẳng giới.
Kết thúc Tọa đàm, Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên Hợp Quốc đã cam kết sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ để cùng hợp tác với các cơ quan, tổ chức liên quan tại Việt Nam nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền kinh tế phụ nữ tại Việt Nam. Hai bên cũng đề nghị với các đại diện các bên tham gia Tọa đàm hướng tới mục tiêu là không bỏ lại phụ nữ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Minh Ngọc
TAG: