Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Tịnh Biên không ngừng được quan tâm
Nhằm nâng cao kiến thức về cách tự phòng, tránh xâm hại tình dục ở trẻ em trong thời gian qua, Văn phòng CTXH Bảo vệ trẻ em huyện Tịnh Biên đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, mỗi cuộc có trên 30 người tham dự, tổng cộng có 550 người được nghe tuyên truyền, kinh phí thực hiện trên 15.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, Văn phòng CTXH Bảo vệ trẻ em còn cung cấp cho cán bộ phụ trách trẻ em tại các xã, thị trấn gần 2.500 tờ bướm phòng chống bạo lực trẻ em, 13.900 bảng kiểm “Ngôi nhà an toàn” để các gia đình có trẻ em biết cách phòng, tránh những nguy cơ có thể xảy ra, phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền trên trạm truyền thanh xã, thị trấn với các chủ đề: Phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường; Phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ em... trung bình 4 lần/tuần, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Văn phòng Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em còn tổ chức tư vấn trực tiếp tại cộng đồng 15 cuộc, hỗ trợ 15 trẻ và gia đình truyển gửi thông tin, kết nối trẻ tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc y tế, hỗ trợ giáo dục. Đặc biệt, phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với huyện đã tổ chức triển khai thí điểm và nhân rộng thực hiện hàng loạt các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, như: “Trợ giúp trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật”, “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại”, “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực”
Cùng với đó, Văn phòng còn tham mưu cho Ban Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH lập kế hoạch Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu. Từ nguồn vận động của Trung tâm CTXH Bảo vệ trẻ em tỉnh, Văn phòng CTXH Bảo vệ trẻ em cùng Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà Trung thu cho 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, mỗi phần quà trị giá 100.000 đồng, kinh phí 10 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Tịnh Biên cũng gặp một số khó khăn trong CTXH và bảo vệ trẻ em như: Văn phòng CTXH Bảo vệ trẻ em mới được thành lập, vị trí không thuận lợi nên công tác giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đến với cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn; Nhân viên phụ trách Văn phòng chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu trong công tác quản lý Văn phòng nên việc tiếp cận công việc đạt hiệu quả chưa cao; Kinh phí hỗ trợ chưa kịp thời, không đảm bảo các hoạt động của Văn phòng được diễn ra thường xuyên, gây khó khăn cho công tác quản lý, hỗ trợ các dịch vụ tại Văn phòng và cộng đồng.
Để nâng cao nhận thức và tăng cường quản lý đối với CTXH và bảo vệ trẻ em, trong năm 2017 đề nghị Phòng BVCSTE (Sở LĐ-TB&XH), UBND huyện, Ban Lãnh đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tạo mọi điều kiện để nhân viên phụ trách Văn phòng được tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu, nhằm đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Văn phòng; đồng thời hỗ trợ kinh phí kịp thời, đảm bảo công tác truyền thông, tư vấn được thực hiện thường xuyên
Việt Lê