An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp người dân Bình Định giảm nghèo bền vững
10:12 AM 03/08/2020
(LĐXH)-Với phương thức đầu tư cho vay trực tiếp tới hộ dân, luôn đồng hành, sát cánh cùng với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự phát huy hiệu quả tại tỉnh. Không chỉ về phương diện kinh tế, chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi còn có tác động rất lớn làm thay đổi nhận thức của người nghèo, biết tự vận động để thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.
Bình Định là một trong những tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 6.025km2. Toàn tỉnh có 09 huyện, 01 thị xã An Nhơn và 01 thành phố Quy Nhơn, có 159 xã, phường, thị trấn. Dân số tỉnh Bình Định 1.486.465 người, trong đó, khu vực thành thị khoảng 412.261 người (chiếm 27,73%), khu vực nông thôn khoảng 1.074.204 người (chiếm 72,27%), người kinh 1.451.913 người (chiếm 97,68%), dân tộc thiểu số 34.552 người (chiếm 2,32%), phần lớn là dân tộc Bana, Chăm, Hre (32.712 người), còn lại các dân tộc thiểu số khác (1.840 người). Bình Định được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng nam Lào.
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ chính trị của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội,  thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh với quyết tâm thực hiện thành công, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhânh dân tỉnh đề ra. Một trong những giải pháp làm nên thành công và thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở Bình Định chính là cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trao đổi tình hình vay vốn, sử dụng vốn vay của tổ viên với Tổ trưởng Tổ TKVV tại điểm giao dịch xã Canh Thuận, huyện Vân Canh
Trong giai đoạn 05 năm (2016 - 2020), Bình Định đã tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Cùng với nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương ủy thác, NHCSXH đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho hơn 140 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 05 năm qua đã giúp gần 32 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 13 nghìn lượt hộ gia đình tại các vùng khó khăn được vay vốn mua sắm máy móc, công cụ phục vụ sản xuất kinh doanh, đánh bắt, chế biến hải sản và mở rộng cơ sở tiểu thủ công nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; thu hút, tạo việc làm cho gần 11 nghìn lao động; giúp hơn 1 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 12 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 62 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 2 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách... Riêng năm 2019, Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, trong nă, đã có gần 37.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng CSXH lan tỏa đến 1.121/1.122 thôn, làng, khu phố trong toàn tỉnh, đã hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh cho gần 4.000 hộ gia đình; giúp cho hơn 8.000 hộ gia đình ở các vùng nông thôn có nước sạch sinh hoạt và công trình vệ sinh hợp vệ sinh; giải quyết được việc làm cho hơn 3.000 lao động trong nước và hơn 500 lao động ngoài nước; tạo điều kiện cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng 400 nhà ở cho hộ nghèo...
Bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm & vay vốn thôn Nam Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, kể: Ở Nam Giang vẫn còn nhiều chị em thiếu việc làm, thiếu vốn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Từ thực tế đó, tôi luôn tranh thủ khai thác các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH). Năm 2019, Tổ Tiết kiệm & vay vốn thôn Nam Giang đã được Ngân hàng CSXH giải ngân 1,17 tỷ đồng cho 17 chị em vay, tổng dư nợ đến nay là 3,13 tỷ đồng/56 hộ. Nhờ được vay vốn, nhiều phụ nữ làm ăn hiệu quả đã có cuộc sống ổn định, thoát nghèo. Như chị Hồ Thị Thanh vay chương trình hộ nghèo 50 triệu đồng về chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, chị thu về khoảng 40 triệu đồng. Các chị Nguyễn Thị Mỹ Liễu, Trương Thị Công và Đặng Thị Thủy là hộ nghèo của thôn năm 2017, mỗi chị vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn để nuôi bò sinh sản. Đến năm 2019, các chị đều đã thoát nghèo.
Bà Nguyễn thị Ba đang chuẩn bị lượt nước mắm
Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao năm 2003, đến nay Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số cho vay từ đầu năm 2016 đến nay đạt 4.923 tỷ đồng, với hơn 140 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 3.629 tỷ đồng, bằng 73,7% doanh số cho vay. Đến ngày 31/12/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.809 tỷ đồng, tăng 1.290 tỷ đồng so với cuối năm 2015 với trên 92 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 42 triệu đồng, tăng 14 triệu đồng so với năm 2015. Trong đó: Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão) là 747 tỷ đồng, tăng 283,6 tỷ đồng (+61,2%) so với năm 2015, với trên 15 nghìn hộ đang còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 30 tỷ đồng với 1.653 hộ, doanh số cho vay đạt 26,7 tỷ đồng với 1.151 lượt khách hàng; doanh số thu nợ đạt 15,8 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng chính sách xã hội tập trung chủ yếu vào một số chương trình cho vay lớn, như cho vay hộ nghèo dư nợ đạt 892,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,4% tổng dư nợ; cho vay hộ cận nghèo dư nợ đạt 788,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,7% tổng dư nợ; cho vay hộ mới thoát nghèo dư nợ đạt 424 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11% tổng dư nợ, Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dư nợ đạt 398,6 tỷ đồng, chiếm gần 10,5% tổng dư nợ; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn dư nợ đạt 416,6 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ; cho vay giải quyết việc làm dư nợ đạt 178,8 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng dư nợ;....
Nhìn chung, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, cộng đồng và chính quyền các địa phương, nhất là vốn vay đã hỗ trợ sinh kế, sản xuất kinh doanh có tác động trực tiếp đến thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn. Các cấp chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động, phối hợp tuyên truyền về các nội dung để tiếp cận nguồn vốn vay, qua đó giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn nắm bắt được yêu cầu, điều kiện khi tham gia vay vốn. Điều này đã tác động nhận thức, trách nhiệm của các hộ, tránh tư tưởng trông chờ, chỉ nhận mà không đóng góp, phải nỗ lực lao động sản xuất và thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống./.

Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Thiết thực tri ân người có công
Chuyển biến tích cực về cải cách hành chính trong lĩnh vực người có công ở Bắc Giang
Hà Tĩnh giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo
Phòng chống bạo lực học đường dưới góc nhìn của các đại biểu Quốc hội trẻ em
Phú Yên tập trung xóa nhà tạm cho người nghèo
Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc về BHXH tại TPHCM
100% đại biểu “Quốc hội trẻ em” biểu quyết thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Huyện Phù Cát: Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Hòn Đất: Cuối năm 2024 dự kiến tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,24%...