An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tín dụng chính sách - Tiếp sức giảm nghèo
12:41 PM 24/03/2017
Trải qua 14 năm phát triển, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) luôn nỗ lực hoàn thành vai trò là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống và nâng cao thu nhập.

Kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất

Không phải ngẫu nhiên trong các hội nghị liên quan đến phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội gần đây, cái tên NHCSXH luôn được nhắc đến với lời ghi nhận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017: “NHCSXH là công cụ của Đảng và Nhà nước thực hiện các chính sách đối với các đối tượng người nghèo, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận”.

Nhìn lại chặng đường 14 xây dựng và phát triển, NHCSXH đã và đang lớn mạnh cả về chất và lượng. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay NHCSXH đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi cùng nhiều chương trình từ nguồn vốn ủy thác của nước ngoài với tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, NHCSXH luôn bám sát thực tế, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định phù hợp, kịp thời về tín dụng chính sách giúp các đối tượng chính sách có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đơn cử như Quyết định số 15/2013 về tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo; gần đây nhất là Quyết định số 28/2015 về cho vay hộ mới thoát nghèo... nhằm lấp đầy “khoảng trống” chính sách cho hộ nghèo. Cùng với đó, NHCSXH đã theo sát diễn biến thị trường tiền tệ, từ đó kịp thời kiến nghị và đề xuất Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi giúp người nghèo giảm chi phí vốn trong SXKD, đẩy nhanh thời gian thoát nghèo. Những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Hiệu quả có thể nhìn thấy rõ bằng định lượng khi số hộ vay vốn những năm đầu thành lập là hơn 3 triệu hộ đến nay là 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ tăng lên trong khi số hộ vay giảm biểu hiện hộ thoát nghèo và những hộ nghèo mới vay được nâng mức cho vay. Bình quân dư nợ/hộ (trừ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) đã tăng từ 20 lên 29 triệu đồng/hộ và tiến dần lên 50 triệu đồng/hộ.

Giải ngân vốn vay giúp phụ nữ có cơ hội cải thiện sinh kế (Ảnh minh họa)

Tín dụng chính sách của Chính phủ đã đến với từng thôn,bản thông qua mạng lưới gần 190.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 11.000 Điểm giao dịch xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với trên 30 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...

Hoạt động của NHCSXH đối với công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đang hứa hẹn những bứt phá mới trong giai đoạn 2016 - 2020. Như đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc nhìn nhận: Đảng và Nhà nước không những quan tâm mà ngày càng nâng cao chuẩn nghèo lên, cho thấy mức sống của người dân nói chung, của đất nước, thậm chí các hộ nghèo ngày càng tăng lên. Tiêu chí hộ nghèo cũng từ đơn chiều tiến đến đa chiều là thách thức đối với giảm nghèo đòi hỏi Đảng, Chính phủ cùng hệ thống NHCSXH phải nỗ lực quyết tâm thì mới có thành tựu to lớn như thời gian qua. Đây cũng chính là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của NHCSXH.

Huy động hệ thống chính trị vào cuộc

Là tỉnh vùng cao biên giới, kinh tế khó khăn, Hà Giang đặc biệt coi trọng nguồn vốn chính sách xã hội, coi đây là động lực quan trọng giúp người dân các dân tộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Sau gần 3 năm Hà Giang thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (2014-2017), việc triển khai tín dụng chính sách có sự đột phá tích cực. Chất lượng tín dụng nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn, lãi tồn đọng giảm xuống, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng lên. Tổng dư nợ toàn tỉnh hết năm 2016 đạt trên 2.190 tỷ đồng, tăng 239 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tỷ lệ tăng trưởng 12%. Nợ quá hạn 6,4 tỷ đồng, giảm 2,1 tỷ đồng so với đầu năm. Ý thức tiết kiệm của người nghèo được cải thiện rõ rệt, thể hiện ở số thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm tăng từ 36% năm 2014 lên 83% năm 2016. Qua đó giúp tỉnh thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững...”, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hà Giang, Nguyễn Văn Sơn đánh giá.

Nhìn rộng ra có thể thấy việc thực hiện Chỉ thị số số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với với tín dụng chính sách xã hội được coi là “cao trào” của sự đồng thuận trong công tác giảm nghèo với sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong vùng đối với tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai thực hiện.

Sau gần 3 năm triển khai đã phát huy hiệu lực, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng. Cụ thể, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được quan tâm tăng cường. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và chủ động chuyển ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay. Tính riêng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn từ khi có Chỉ thị đến nay là 2.891 tỷ đồng (tăng 74,3% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị riêng trong năm 2016, tăng 1.888 tỷ đồng (+35,8%) so với năm 2015, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến nay đạt 6.783 tỷ đồng.

Đặc biệt, để nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động tại cơ sở, các tỉnh, thành phố đã tổ chức kiện toàn lại Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện thông qua chủ trương đưa Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện NHCSXH cấp huyện. Đến nay, đã có 11.099/11.159 Chủ tịch UBND cấp xã trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ 99,5%) tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Việc này làm cho công tác thực thi, giám sát công tác tín dụng chính sách đạt hiệu quả rõ rệt trong chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị tại địa bàn.

Hải Trang (Chinhphu.vn)

TAG:
Tin khác
Đào đông đỏ giá cả trăm triệu đồng chờ đại gia rước về trưng Tết
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn