Tín dụng chính sách: “Bà đỡ” của hộ nghèo dân tộc thiểu số
(LĐXH)- Giai đoạn 2016 đến 2020, NHCSXH tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi
Anh Hàng A Vạng, sinh năm 1987 là người dân tộc H’Mông, cư trú tại Tiểu khu Pa Khen I, thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là một trong những điển hình thoát nghèo, vươn lên từ nguồn vốn chương trình hộ nghèo.
Năm 2012 sau khi đi bộ đội xuất ngũ trở về địa phương, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, đời sống hết sức khó khăn, 2 vợ chồng đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Sau khi được cán bộ Hội phụ nữ thị trấn, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn của tiểu khu tuyên truyền về vốn vay xóa đói giảm nghèo của NHCSXH huyện Mộc Châu, anh đã trăn trở suy nghĩ rất nhiều, vay vốn về làm gì để phát triển kinh tế gia đình?
“Mình có sức khỏe, tuổi còn trẻ mà lại phải chịu đói nghèo, con cái sau này lớn lên còn phải được đi học như con của các gia đình khác trong tiểu khu, bản thân tôi đã tự tìm hiểu các gia đình làm ăn giỏi trong tiểu khu và với quyết tâm vượt lên khỏi đói nghèo, tôi đã bàn với vợ và mạnh dạn xin ra nhập Tổ Tiết kiệm và vay vốn” – anh tâm sự. Nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ưu đãi
Tháng 4/2012, gia đình anh được Tổ họp bình xét cho vay vốn chương trình hộ nghèo và NHCSXH huyện Mộc Châu cho vay số tiền 30 triệu đồng, thời gian vay vốn 3 năm. Với số tiền vay vợ chồng anh mua được 2 con bò sinh sản, cùng với diện tích 2.000m2 đất tôi trồng cây mận hậu. Trong quá trình cây mận hậu chưa cho thu hoạch, anh trồng xen cây su su để lấy ngắn nuôi dài, có tiền trả lãi hàng tháng và tham gia gửi tiền tiết kiệm. Diện tích đất hiện có không đủ, gia đình anh nhận thầu thêm 2 ha đất để trồng cây ngô, sau khi thu hoạch ngô xong anh trồng cây cải để lấy hạt.
Sau 3 năm cây mận hậu nhà anh đã cho thu hoạch; cộng với sản phẩm từ ngô, cây cải trên đất nhận thầu, anh đã trả được nợ vay Ngân hàng đúng hạn; từ 2 con bò sinh sản, gia đình anh đã có 4 con bò và có một khoản tiền để tiếp tục đầu tư.
Đến cuối năm 2015, được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ thị trấn, Tổ tiết kiệm và vay vốn tiểu khu, NHCSXH huyện, anh tiếp tục làm đơn đề nghị vay vốn chương trình hộ cận nghèo với số tiền 50 triệu đồng, thời gian vay 5 năm. Anh tiếp tục đầu tư mua một cặp bò sinh sản, mua giống cây mận hậu, phân bón và 3.000m2 đất để trồng cây mận hậu.
Anh Hàng A Vạng vui vẻ cho biết: “Đến nay, cuộc sống của gia đình tôi đã được ổn định, gia đình tôi có 1 ha cây mận hậu, trong đó 200 cây mận hậu cho thu hoạch, một cặp bò sinh sản, 2 con lợn nái, 1.800 gốc cây su su, xây dựng được một ngôi nhà ở khang trang. Tôi bàn với vợ dồn hết vốn liếng mà gia đình đã tích lũy được để mở dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng cho khách du lịch và được khánh thành và đón khách trong tháng 8/2017. Với nguồn thu nhập từ chăn nuôi, cây mận hậu, cây su su, 2ha ngô đủ đảm bảo cuộc sống của 4 nhân khẩu trong gia đình, hàng tháng trả lãi và gửi tiền tiết kiệm theo đúng quy ước hoạt động của tổ TK&VV, quy định của Ngân hàng”.
“Bà đỡ” của hộ nghèo dân tộc thiểu số
Theo ông Dương Quyết Thắng – Tổng Giám đốc NHCSXH, NHCSXH luôn chú trọng, tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả nhất. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực DTTS và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... và đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS. Về cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng
Trong giai đoạn 2016 đến cuối năm 2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775 nghìn lao động (trên 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên108 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý vốn, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội, các đối tượng thụ hưởng có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; giúp dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội; làm thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo, đồng bào DTTS, giúp họ thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Vốn tín dụng chính sách xã hội có tác động trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại các vùng nông thôn, DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách các đối tượng thụ hưởng có vốn kịp thời để đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Từ đó, góp phần ngăn chặn tình trạng vay nặng lãi hoặc phải mua chịu vật tư, vật liệu, phân bón với giá cao, bán non các sản phẩm cho tư thương với giá thấp; tránh nguy cơ tái nghèo do ảnh hưởng của tín dụng đen.Một điểm giao dịch của NHCSXH tại tuyến xã
Vốn tín dụng chính sách xã hội tạo nguồn lực giúp các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và toàn vùng, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong khu vực gắn với yêu cầu phát huy tinh thần tự lực, tự cường của hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nhiều tỉnh, thành phố đã tích cực phát huy vai trò của vốn tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các Đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tập trung dành nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng DTTS và miền núi; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Ưu tiên các nguồn lực cho người nghèo, vùng khó khăn
Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiến trình phát triển của họ, theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững.
NHCSXH đã chú trọng tập trung nguồn lực vào những chương trình cho vay có hiệu quả cao và thiết thực, đó là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hộ gia đình và thương nhân sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động để giúp phát triển sản xuất, thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, chống tái nghèo.
Bên cạnh đó, NHCSXH còn có các chương trình đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống như cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nhà ở hộ nghèo, xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung, làm nhà vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long,...mang ý nghĩa thiết thực đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được tập trung ưu tiên cho vay đối với hộ nghèo, hộ DTTS tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo để người dân yên tâm sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Về phương hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo, ông Dương Quyết Thắng nhấn mạnh mục tiêu cụ thể là: Hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội./.
Nguyễn Lại Thìn
TAG: