An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tìm giải pháp chủ động thực thi có hiệu quả chính sách đối với ngươi khuyết tật
03:19 PM 03/12/2020
(LĐXH) Đó là mục tiêu, mong muốn của Hội thảo khoa học quốc gia về chủ đề “Công tác xã hội đối với người khuyết tật” được tổ chức ngày 2/12, tại Hà Nội, do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Hội đồng Khoa học Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Khoa học Ban Kinh tế Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật phối hợp tổ chức.





Tham dự hội thảo có TS Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Ban Kinh tế Trung ương; GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; TS Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và đại diện các bộ, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm đến người khuyết tật, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm sóc, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Công tác người khuyết tật đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với người khuyết tật được nâng cao; người khuyết tật ngày càng tự tin, thuận lợi hòa nhập vào đời sống xã hội; nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật được triển khai nhằm chăm lo đời sống, tạo cơ hội bình đẳng động viên người khuyết tật phát huy năng lực, hòa nhập, đóng góp cho xã hội…Việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội đã huy động được sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo, nhân đạo, từ thiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức người khuyết tật đẩy mạnh chăm sóc đời sống người khuyết tật.
Tất cả những điều này đã mang lại cho người khuyết tật sự tự tin, tự lập trong cuộc sống; đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo; sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào sự trợ giúp của gia đình, người thân….
TS Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực,
Chủ tịch Hội đồng Khoa học Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay nước ta có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, khoảng 12 triệu gia đình sống chung với người khuyết tật, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%; 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Người khuyết tật chủ yếu phân bố ở vùng nông thôn, có cuộc sống khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận các nội dung:
-  Những vấn đề nhận thức, thực tiễn đặt ra nhằm chủ động thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật nhằm quan tâm, ghi nhận và tạo mọi điều kiện để người khuyết tật có cuộc sống hòa nhập cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
- Đánh giá toàn diện thực trạng để kiến nghị giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng; mô hình công tác xã hội; đảm bảo an sinh; phúc lợi xã hội; tạo việc làm và khởi nghiệp sáng tạo; phân công, phân cấp, tổ chức quản lý Nhà nước đối với người khuyết tật của Việt Nam (từ việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế).
- Tạo môi trường phát triển dịch vụ xã hội đối với người khuyết tật tại cộng đồng; nâng cao chất lượng an sinh xã hội đối với người khuyết tật.
- Kiến nghị các giải pháp đột phá nhằm đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách đối với người khuyết tật, công tác xã hội đối với người khuyết tật, bảo đảm định hướng phát triển bền vững, bao trùm.
Theo TS Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban kinh tế Trung ương: Thực tế cho thấy người khuyết tật và những hộ gia đình có người thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn, cơ hội việc làm cho người khuyết tật thấp hơn những người không khuyết tật; rất ít người khuyết tật được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương; tồn tại sự bất bình đẳng về mức sống, tâm lý xã hội và tham gia xã hội đối với người khuyết tật. Ngoài ra, người khuyết tật cũng gặp những rào cản, khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ xã hội và hòa nhập cộng đồng như: Khó khăn trong tiếp cận các phương tiện giao thông và công trình công cộng; khó khăn trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, dịch vụ dạy nghề và việc làm, các dịch vụ y tế, tiếp cận thông tin; trong xây dựng tình yêu, hôn nhân, gia đình…
Toàn cảnh Hội thảo
Bởi vậy, nhằm thực hiện đồng bộ hiệu quả Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác người khuyết tật cần thay đổi tư duy trong thiết kế chính sách và quản lý nhà nước đối với người khuyết tật; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để huy động mọi nguồn lực tham gia chăm sóc người khuyết tật; tạo điều kiện khởi nghiệp sáng tạo, tạo việc làm cho người khuyết tật. Đồng thời hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội, xã hội hóa phát triển thị trường dịch vụ chăm sóc người khuyết tật; tăng cường cơ chế phòng ngừa rủi ro nhằm giảm thiểu sự gia tăng người khuyết tật…
Phát biểu bế mạc hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết: Việc giải quyết tốt vấn đề về người khuyết tật và công tác xã hội đối với người khuyết tật là một vấn đề lớn. Để làm tốt công tác này, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến người khuyết tật, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm sóc, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, do nền kinh tế chưa đủ mạnh nên việc chăm lo phát triển cho người khuyết tật chưa được toàn diện. Trước thực tế trên đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng hỗ trợ vì người khuyết tật.
GS.TS Phùng Hữu Phú cũng cho rằng, giải quyết vấn đề người khuyết tật phải đặt trên nền tảng triết lý, đó là quyền con người, phải đặt nền tảng là sự tôn trọng quyền con người lên trên hết. Muốn làm được điều đó phải xóa bỏ các rào cản về tư duy và nhận thức; xóa bỏ rào cản về pháp lý cơ chế, chính sách; xóa rào cản mặc cảm trong cộng đồng.
Giải quyết vấn đề người khuyết tật cũng cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của cả cộng đồng và bản thân người khuyết tật./.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI