Tiếp tục phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm - Kênh thông tin thị trường lao động hữu hiệu
(LĐXH)-Trong 10 năm qua (từ năm 2008-2017), hệ thống các Trung tâm DVVL tại Việt Nam đã được hình thành và quan tâm đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc cho người lao động.
Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - TBXH) cho biết: Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động (chính sách bảo hiểm thất nghiệp); các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, thông tin thị trường lao động và kết nối cung cầu lao động như: hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thu thập, lưu trữ, cung cấp thông tin thị trường lao động, phân tích, dự báo thị trường lao động; kết nối cung cầu lao động và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm trong việc cung cấp các dịch vụ về việc làm, chẳng hạn như: Nghị định 196/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm; Nghị định 52/2014/NĐ-CP ngày 23/5/2014 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; Quyết định số 1833/QĐ-TTg ngày 28/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trung tâm dịch vụ việc làm giai đoạn 2016 - 2025...
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, hiện các Trung tâm Dịch vụ việc làm, đặc biệt là 63 Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đểu được tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đào tạo cán bộ nhằm nâng cao năng lực, đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề thông thường; thực hiện các chính sách, chương trình điều tiết thị trường lao động ở địa phương như chính sách thị trường lao động chủ động (thông tin thị trường lao động, tư vấn, chắp nối việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ duy trì việc làm, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,...); chính sách thị trường lao động bị động (đăng ký, chi trả trợ cấp thất nghiệp), hỗ trợ tuyển và quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam,...
Các Trung tâm đã đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, chú trọng tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, tạo cơ hội cho người lao động, chủ yếu là thanh niên tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp. Đến nay, cả nước đã có 48 Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm được tổ chức với tần suất ngày càng tăng (bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 25-30 doanh nghiệp, 400-450 lao động tham gia (80-90% là thanh niên), trong đó có 200-230 lao động được sơ tuyển, phỏng vấn). Trong giai đoạn 2008-2017, trên toàn quốc đã tổ chức được 7.642 phiên giao dịch việc làm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động cũng được tạo điều kiện cấp phép hoạt động và quản lý chặt chẽ, tạo sự linh hoạt trong việc cung ứng và sử dụng lao động, phù hợp với xu thế tất yếu của thị trường lao động. Đồng thời, hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng tích cực phối kết hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm dành riêng thanh niên, sinh viên mới tốt nghiệp; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong các nhà trường phổ thông, các cơ sở đào tạo, nhằm kết nối thông tin, nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ việc làm.
Bên cạnh đó, 64 website của các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trên toàn quốc đã được kết nối tại Cổng thông tin điện tử việc làm Việc Nam (vieclamvietnam.gov), tạo thành hệ thống và chia sẻ thông tin việc làm trống và thông tin người tìm việc giữa các địa phương. Đến thời điểm này, đã có hơn 213 triệu lượt truy cập cổng thông tin việc làm, bình quân 150 ngàn lượt truy cập mỗi ngày. Website thường xuyên đăng tải thông tin việc làm trống của hơn 70.000 doanh nghiệp và thông tin tìm việc hơn 38.000 người. Thông tin về việc làm trống và người tìm việc luôn được cập nhật hàng ngày.
Với các hoạt động được triển khai nói trên, giai đoạn 2008 – 2017, số lao động tìm kiếm việc làm, số doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua hệ thống các Trung tâm đều tăng qua các năm, cho thấy hiệu quả hoạt động dịch vụ việc làm ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc kết nối cung cầu lao động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở mỗi địa phương. Thông qua hoạt động của sàn giao dịch việc làm, các Trung tâm đã tạo môi trường thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn và tuyển dụng. Cụ thể, giai đoạn 2008-2017, tổng số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm là 18.780.000 lượt người, trong đó số lao động nhận được việc làm do Trung tâm giới thiệu và cung ứng là 5.113.455 lượt người, chiếm 27,2% tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Nhờ vậy, thị trường lao động cũng đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2017, cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 1,633 triệu lao). Giai đoạn 2009-216, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,2% xuống còn 2,1%; số người lao động có việc làm từ 47,744 triệu người tăng lên 53,303 triệu người; tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 51,54% xuống còn 41,9%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phối hợp, trao đổi thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu giữa các cơ quan chuyên môn ở trung ương, địa phương và các cơ quan báo chí chưa thật sự chặt chẽ, kịp thời. Cũng theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện nay cũng chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước; công tác quản lý và nắm thông tin lao động về số lượng, cơ cấu, chất lượng, độ tuổi, giới tính … còn hạn chế, chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác, chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động phân tích và dự báo thị trường lao động còn yếu kém, gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định các chính sách phát triển thị trường lao động nói chung, chính sách phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm nói riêng. Bên cạnh đó, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin về cung - cầu lao động; hoạt động của các Trung tâm chưa đồng bộ, chưa có sự gắn kết trở thành một hệ thống kết nối trên phạm vi toàn quốc; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm còn hạn chế; tần suất, phạm vi các hoạt động giao dịch việc làm chủ yếu ở khu vực thành thị, tại các khu vực có đông người lao động ...
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên, trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khoá đào tạo... giúp người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp. Đồng thời, cần nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; phối hợp hoạt động của Trung tâm với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp; nâng tần suất phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp tại cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động và hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực; có sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, Trung tâm dịch vụ việc làm với cơ quan báo chí trong đăng tải những thông tin về tình hình việc làm, nhu cầu của thị trường lao động, giúp người lao động và người học có cơ sở định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành học và công việc, hạn chế tình trạng thất nghiệp sau đào tạo./.
Mỹ Hạnh
TAG: