Tiếp tục nâng cao tuyên truyền về ảnh hưởng của bom mìn đối với sức khoẻ người dân
(LĐXH) - Tuyên truyền, giáo dục và vận động là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phòng tránh tai nạn thương tích từ bom mìn. “Vì một Việt Nam không còn bom mìn sót lại sau chiến tranh” – là một trong những mục tiêu chúng ta đang hướng tới…
Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều thứ tiếng; chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng, báo đài địa phương để nâng cao nhận thức đến mọi người dân. Đặc biệt, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vì bình yên cuộc sống”, đăng tải nhiều tin, bài, phóng sự, phim, ảnh, tư liệu, cổ động, quảng bá về Chương trình 504, trong đó tập trung vào các lĩnh vực giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích, tôn vinh vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và cộng đồng quốc tế có nhiều đóng góp trong quá trình hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm, phương tiện, trang bị, tài chính để rà phá, hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng…
Đặc biệt, thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn như, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ kinh phí để Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam thực hiện dự án “Điều tra khảo sát bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh” tại 6 tỉnh Miền Trung trị giá 500 ngàn USD. Ngoài ra Chính phủ các nước Anh, Bỉ, Ấn Độ cũng hỗ trợ đào tạo, tập huấn cán bộ nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động rà phá bom mìn... Và Chính phủ Hoa Kỳ đã ký với Ban Chỉ đạo Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam giai đoạn 2010- 2025, Bản ghi nhớ về hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam; Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) tài trợ 5 triệu USD để giáo dục nhận thức bom mìn cho thiếu niên và nhi đồng tại 6 tỉnh miền Trung... Đến nay có gần 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài quan tâm hỗ trợ nhân đạo cho các hoạt động khắc phục bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
NHB