An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tiếp sức người nghèo và đối tượng chính sách
08:59 AM 27/04/2020
Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giải ngân cho vay mới… là những việc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Ninh đang triển khai để hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của UBND tỉnh và NHCSXH Việt Nam về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch COVID-19 NHCSXH tỉnh yêu cầu Phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác thống kê, rà soát mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Theo đó, các trường hợp vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn chưa trả được nợ gốc đến hạn được xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, giải ngân cho vay mới để giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cán bộ NHCSXH tỉnh giao dịch lưu động tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du
Theo ông Đàm Lê Văn, Giám đốc NHCSXH tỉnh, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm công việc thông suốt, NHCSXH tỉnh chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, điều hành công việc trực tuyến; bố trí lịch làm việc luân phiên tại cơ quan và nhà riêng cho cán bộ, nhân viên. Tạm dừng hoạt động giao dịch tại xã từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-4-2020 để phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo; đối với những món vay đến hạn trả nợ trong tháng 4, đơn vị chủ động thông báo cho khách hàng được trả nợ sang tháng 5- 2020 vào ngày giao dịch lưu động tại xã, nhằm giảm bớt khó khăn và góp phần hạn chế đi lại trong thời điểm giãn cách xã hội. Cùng với đó, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho khách hàng đang điều trị bệnh hoặc thực hiện cách ly y tế theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Thời điểm này, Chi nhánh có 97.000 khách hàng đang dư nợ, trong đó đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo chiếm 41% tổng dư nợ. Đơn vị sẽ theo sát những chỉ đạo của cấp trên để kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, khu Xuân Viên, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh được vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ cận nghèo để phát triển chăn nuôi chia sẻ: “Cuối tháng 3-2020, thông qua Hội Phụ nữ phường, tôi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh để tăng gia sản xuất. Trước đây gia đình đã từng nuôi lợn nhưng do dịch tả lợn châu Phi năm 2019 phải tiêu hủy cả đàn lợn hơn 30 con. Nguồn vốn ngân hàng thực sự hữu ích cho gia đình tôi trong giai đoạn này để tái đàn, hy vọng lứa nuôi này sẽ thuận buồm xuôi gió…”.
Là hộ vay được điều chỉnh kỳ hạn nợ, bà Dương Thị Yến, phường Đại Phúc cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh mặt hàng quần áo, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thu nhập đã giảm nhiều. Ngày 8-4- 2020 đến hạn trả nợ gốc, song được NHCSXH điều chỉnh kỳ hạn nợ, giúp gia đình giảm bớt khó khăn…”.
Với sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, cũng như giãn nợ trong thời điểm sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh. 3 tháng đầu năm, đơn vị giải ngân cho hơn 5.000 lượt hộ vay hơn 180 tỷ đồng nâng tổng dư nợ lên gần 2587 tỷ đồng, tăng 12,40% so với cuối năm 2019. Từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4-2020, đơn vị thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho khách hàng gần 1000 món, số tiền hơn 16 tỷ đồng. Cùng với đó, NHCSXH tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chuyển nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt gần 235 tỷ đồng, tăng hơn 24,2 tỷ đồng so cuối năm 2019 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, NHCSXH Việt Nam được giao nhiệm vụ hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động, dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, thời hạn không quá 12 tháng, tổng số hỗ trợ là 3 triệu đồng lao động. Trên tinh thần đó NHCSXH tỉnh bám sát chỉ đạo, căn cứ nguồn vốn Trung ương phân giao của NHCSXH Việt Nam, để triển khai kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, nhằm hỗ trợ khắc phục một phần khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hà Linh



TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24