An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tiền Giang tích cực thực hiện giảm nghèo bền vững
06:57 PM 24/09/2021
(LĐXH)-Tại Tiền Giang, tình hình dịch Covid-19, hạn mặn ảnh hưởng lớn tới đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Trước những khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 03/10/2017 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 27/02/2018 của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-BCĐ ngày 17/3/2020 thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo năm 2020 của tỉnh.
Các Sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị, các cấp địa phương đã xác định việc gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với giảm nghèo bền vững là trách nhiệm của các cấp địa phương, trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, theo chức năng nhiệm vụ của các ngành đã triển khai thực hiện: Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo năm 2020 tại các đơn vị. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí được ngân sách trung ương hỗ trợ năm 2020 để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Mô hình nuôi dê thoát nghèo của người dân xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho
Ngay từ đầu năm, để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch, tổ chức 11 lớp tập huấn cán bộ giảm nghèo, nâng cao kỹ năng tổ chức thực hiện giảm nghèo với tổng kinh phí tỉnh giao là 450 triệu đồng. Tỉnh cũng giao cho các đơn vị có thực hiện các dự án của chương trình giảm nghèo kinh phí thực hiện công tác giám sát đánh giá thực hiện chương trình là 1.083 triệu đồng. Các đơn vị được giao kinh phí đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình do đơn vị phụ trách.
Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a),  năm 2020, huyện Tân Phú Đông là huyện nghèo của tỉnh được Chính phủ hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP để vươn lên thoát nghèo. Huyện làm chủ đầu tư và đã lập dự án để thực hiện 01 công trình chuyển tiếp với kinh phí là 1.200 triệu đồng; 11 công trình khởi công mới với kinh phí là 24.059 triệu đống. Cùng với đó, với kinh phí ngân sách Trung ương bố trí: 13.343 triệu đồng (1.213 tr.đồng/xã), UBND các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển đã làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện: 26 công trình, trong đó công trình được đầu tư mới là 18 công trình, công trình chuyển tiếp: 08 công trình.
Chương trình 30a còn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các hộ nghèo của huyện Tân phú Đông  và 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của tỉnh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đã hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, thực hiện 42 dự án, gồm 03 dự án lĩnh vực trồng trọt và 39 dự án lĩnh vực chăn nuôi (nuôi bò, dê) hỗ trợ 524 hộ. Kinh phí thực hiện 11.890 triệu đồng, trong đó: từ nguồn vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững do Trung ương cấp là 10.018 triệu đồng, vốn đối ứng của dân: 1.872 triệu đồng.
Bên cạnh việc đầu tư cho huyện nghèo, tỉnh còn hỗ trphát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 của tỉnh với 17 dự án, gồm 01 dự án lĩnh vực trồng trọt và 16 dự án lĩnh vực chăn nuôi (nuôi bò, dê) cho 197 hộ nghèo. Kinh phí thực hiện 4.150 triệu đồng, trong đó: từ nguồn vốn Trung ương thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 3.218 triệu đồng, vốn đối ứng của dân: 932 triệu đồng.
Mô hình trồng rau mùi ở xã Phước Thạnh phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế ở xã Phước Thạnh
Đối với các chính sách của chương trình giảm nghèo, năm 2020, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… Đặc biệt là chính sách hỗ trợ về y tế đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thì người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều được hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế từ đó tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo có thể khám chữa bệnh kịp thời, có sức khỏe phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo: 33.868 thẻ; người thuộc hộ cận nghèo: 51.613 thẻ; người sinh sống vùng kinh tế đặc biệt khó khăn: 59.828 thẻ; người sinh sống xã đảo: 34.098 thẻ.Tổng kinh phí thực hiện trên 60,029 tỷ đồng để hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, năm qua, tỉnh đã giải ngân cho 23.674 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, với tổng số tiền hơn 705,303 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã hỗ trợ tạo việc làm cho 3.889 lao động, 43 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 9.665 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, 28 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở với kinh phí vay từ Ngân hàng chính sách xã hội là 700 triệu đồng, 1.324 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học.  
Công tác khuyến nông - lâm -  ngư, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo: được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, phối hợp với các Hội đoàn thể hướng dẫn giúp cho người dân nói chung và hộ nghèo nói riêng áp dụng trong sản xuất được hiệu quả. Tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: kế hoạch năm 2020 đào tạo 2.300 lao động, trong đó đào tạo 280 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay đã mở 41 lớp với 1.353 lao động.
Trong công tác giảm nghèo ở Tiền Giang, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội, đoàn  thể các cấp cũng tích cực vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ người nghèo. Năm 2020, toàn tỉnh đã huy động được 297,018 tỷ đồng, trong đó: Chương trình an sinh xã hội là 281,605 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” là 15,413 tỷ đồng. Từ các nguồn vận động này, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chi cho xây dựng 775 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo với tổng kinh phí là 31,003 tỷ đồng, xây dựng 78 công trình dân sinh cầu, đường, trường học, hệ thống nước sinh hoạt,.. trị giá 21,609 tỷ đồng; vận động các đơn vị, các tổ chức cá nhân hỗ trợ máy lọc nước, bồn chứa nước,… trị giá 11,610 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống; hỗ trợ học bổng và dụng cụ học tập cho 12.186 em học sinh nghèo với số tiền là 24,427 tỷ đồng;…
 Nhân dịp Tết Nguyên đán 2020, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã vận động giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách khó khăn, người tàn tật, người nhiễm chất độc da cam ... với 155.619 phần quà, trị giá 55,763 tỷ đồng. Phối hợp với Quỹ Thiện Tâm tặng quà Tết cho 2.030 hộ nghèo (500.000 đồng/hộ) ở 10 huyện trong tỉnh.
Có thể nói, các ngành, các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện từng nơi, có trọng tâm nên tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2020 trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Cuối năm 2020, toàn tỉnh có 3.456 hộ thoát nghèo; hộ nghèo phát sinh là 256 hộ; toàn tỉnh còn 9.429 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng số hộ toàn tỉnh (505.625 hộ); Hộ thoát cận nghèo là 3.732 hộ; hộ cận nghèo phát sinh là 2.791 hộ (hộ thoát nghèo rơi vào cận nghèo: 1.681 hộ. Toàn tỉnh có 16.736  hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,32% so tổng số hộ toàn tỉnh. Tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên hưởng chính sách ưu đãi người có công và 100% gia đình có công cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Đặc biệt, trong năm 2020, trong tỉnh có 06/11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng khó khăn được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Mặc dù kết quả giảm nghèo của tỉnh Tiền Giang đã đạt đạt vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng trên cơ sở kết quả điều tra hộ nghèo thì số hộ thoát nghèo chỉ mới vượt qua chuẩn nghèo về thu nhập hoặc giảm bớt thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản, sau khi vượt qua chuẩn nghèo phần lớn đều rơi vào diện hộ cận nghèo (1.681 hộ) cần được tiếp tục trợ giúp, số hộ nghèo phát sinh 256 hộ. Và đây cũng là vấn đề mà các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc triển khai thực hiện Chương trình; đồng thời, cũng cần nghiên cứu và đề ra nhiều hơn nữa các giải pháp khả thi để đảm bảo Chương trình thực hiện có tính hiệu quả và bền vững./.
Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công