Tiền Giang thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi cho người có công
(LĐXH)- Tiền Giang đã triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chế độ chính sách, pháp luật đối với người có công; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công; huy động các nguồn lực xã hội để không ngừng cải thiện đời sống của các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công trên địa bàn.
Đến nay, Tiền Giang đã xác nhận, giải quyết chế độ và quản lý hồ sơ 126.315 đối tượng người có công với cách mạng, gồm: 929 người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; 498 người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; 35.526 liệt sĩ; 5.996 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 137 Mẹ); 11.652 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 2.345 bệnh binh; 2.062 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 2.405 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 4.779 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng; 23.599 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp 1 lần; 11.720 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc... Trong đó, người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng tính đến thời điểm tháng 10/2023 là 16.471 người, với kinh phí chi trả gần 400 tỷ đồng/năm từ nguồn ngân sách Trung ương.Đại biểu NCC Tiền Giang thăm Bộ LĐTB&XH
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nương – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang cho biết, ngoài việc đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên cho người có công, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được tỉnh thực hiện tốt.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 28/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2022 - 2025, với tổng số nhà là 1.209 căn (xây mới: 325 căn; sửa chữa: 884 căn). Tổng kinh phí là 54,860 tỷ đồng, chi từ nguồn ngân sách địa phương, với mức kinh phí xây mới: 60 triệu đồng/căn; sửa chữa: 40 triệu đồng/căn.
Năm 2023, tỉnh Tiền Giang có 365 hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ. (xây mới: 92 căn; sửa chữa: 273 căn). Đến 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, thân nhân người có công với cách mạng đã hoàn thành 310 căn (xây mới: 65/92 căn; sửa chữa: 245/273 căn), đạt 94,9%.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc, thăm hỏi gia đình người có công luôn luôn được quan tâm thực hiện tốt. Ngoài quà tặng của Trung ương, hằng năm tỉnh cũng đã trích ngân sách gần 20 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình người có công nhân các dịp lễ, tết; đồng thời các cấp, các ngành đã vận động các nhà hảo tâm thăm, tặng quà với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Thực hiện Chỉ thị về việc chuyển đổi số trong chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt và Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai trên toàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho người có công với cách mạng qua tài khoản là 1.181 người, với số tiền là trên 2,4 tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai và vận động người có công mở tài khoản ngân hàng để thực hiện chi trả qua tài khoản theo quy định.
Cùng với đó, việc xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ cũng được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 20 nghĩa trang liệt sĩ, gồm 01 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, 05 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện và 14 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã. Tổng số mộ liệt sĩ đang quản lý trong các nghĩa trang là 21.666 mộ đã được xây vỏ mộ, bảo quản chu đáo và đã xây dựng được 162 nhà bia ghi tên liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Năm 2023, tỉnh cũng được Trung ương hỗ trợ 5 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ. Đến nay đã hoàn thành được 50% tiến độ, dự kiến đến giữa tháng 12/2023 sẽ hoàn thành theo kế hoạch.
Năm 2023, tỉnh tổ chức 03 đoàn đại biểu người có công đi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc (mỗi đợt 70 người có công); đưa 2 đoàn cựu chiến binh đi thăm nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc, với số lượng 30 người/đoàn.
Những dịp đoàn ra Hà Nội, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức đón tiếp, gặp gỡ, tặng quà và thăm hỏi, động viên người có công. Các đại biểu người có công Tiền Giang cũng có dịp được phát biểu tâm tư tình cảm khi tới thăm Bộ; gửi lời cảm ơn tới các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo Bộ cũng như tỉnh đã tạo điều kiện để đoàn có cơ hội được tới Hà Nội và vào Lăng viếng Bác.
Các đại biểu cũng hứa khi trở về địa phương sẽ tiếp tục giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước. Đây là hoạt động nhằm tri ân người có công có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người có công.
Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người công với cách mạng, tỉnh Tiền Giang đề ra các giải pháp, cụ thể như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách mới ban hành theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, các Nghị định của Chính phủ quy định để người có công biết.
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác chính sách người có công; ban hành một số chính sách đặc thù để giúp người có công cải thiện nhà ở, đảm bảo không có hộ người có công hưởng trợ cấp hàng tháng là hộ nghèo, chính sách hỗ trợ việc làm đối với thân nhân người có công.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công./.
Hà Anh
TAG: