An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tiền Giang: Phát triển nghề công tác xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân
03:34 PM 16/08/2021
Công tác xã hội (CTXH) hay trợ giúp xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền và các đoàn thể nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn và khó hòa nhập với cộng đồng. CTXH thực hiện trợ giúp đối với các nhóm đối tượng này thông qua 04 chức năng cơ bản: phòng ngừa, chữa trị, phục hồi và phát triển.
Xuất phát từ vai trò và ý nghĩa mang tính nhân văn đó, trong thời gian qua, CTXH đã được các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân tỉnh Tiền Giang quan tâm phối hợp thực hiện với nhiều kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể và bước đầu đã được những kết quả, thành công nổi bật. Thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hầu hết các ngành, đơn vị đều tích cực thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tại các buổi hội nghị, tập huấn, họp ấp, khu phố. Qua đó ngày càng nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của các cấp, các ngành và nhân dân. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho những đối tượng bảo trợ xã hội có thể tiếp cận được dịch vụ hỗ trợ, tỉnh đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin hoặc yêu cầu của đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, tiến hành đánh giá nhu cầu, phân loại và chuyển tuyến dịch vụ, hỗ trợ đối tượng tiếp cận với các dịch vụ như giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý hoặc kết nối thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội.
Các dịch vụ trợ giúp người dân gặp khó khăn do đại dịch đang được các cấp, các ngành triển khai tích cực
Về phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, hiện tại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 01 Cơ sở Cai nghiện ma túy và 01 Trung tâm Công tác xã hội tỉnh với kinh phí hoạt động do nhà nước đảm bảo 100%. Việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của 02 cơ sở này trong thời gian qua đã được tỉnh chú ý quan tâm, nhằm từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động tiếp nhận, nuôi dưỡng cũng như đáp ứng số lượng đối tượng bảo trợ xã hội không ngừng gia tăng theo thời gian. Theo đó, biên chế của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã được tăng lên 109 người (biên chế được giao trước đó là 55 người); biên chế tại Cơ sở Cai nghiện ma túy (bao gồm hợp đồng lao động theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ) đã được duyệt tăng lên là 112 người. Với việc kiện toàn, nâng cấp và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội nói trên đã giúp nâng cao năng lực tiếp nhận và nuôi dưỡng. Cụ thể giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã nuôi dưỡng tập trung bình quân hàng năm là 360 người với nhiều thành phần khác nhau. Về phía Cơ sở Cai nghiện ma túy, tính từ năm 2016 đến nay đã tiếp nhận 3.058 người, trong đó, 2.435 người cai nghiện ma túy bắt buộc, 350 người cai nghiện ma túy tự nguyện, 273 người lưu trú ở khu xã hội. Đồng thời, Cơ sở Cai nghiện ma túy giải quyết cho 2.358 học viên tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đội ngũ viên chức, nhân viên làm chuyên trách CTXH ở các ngành, đơn vị đã được kiện toàn, tỉnh cũng tăng cường phát triển đội ngũ cộng tác viên CTXH và xem đây là lực lượng nòng cốt của công tác trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế. Hiện nay, toàn tỉnh có 120 cộng tác viên CTXH đang công tác tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH. Hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho trên 2.000 lượt cán bộ, viên chức, nhân viên các cấp, cộng tác viên CTXH và người dân, từ đó góp phần nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm, hiệu quả hơn trong công tác trợ giúp xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh đã cử cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực liên quan đến trợ giúp xã hội tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực do Trung ương và các Tổ chức phi chính phủ tổ chức.
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác này, thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND, ngày 26/5/2021 về việc triển khai thực hiện chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn phát triển; nâng cao nhận thức cộng đồng về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Cụ thể: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, phấn đấu đạt 60% số cơ quan, tổ chức như: cơ sở trợ giúp xã hội, cai nghiện ma túy, trại giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn... có phân công, bố trí nhân sự làm CTXH; Ít nhất có 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở dịch vụ trợ giúp xã hội, trại giam, hệ thống các cơ quan tư pháp và lao động - thương binh và xã hội, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội; Tối thiểu có 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và các cơ sở liên quan khác có cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội thực hiện tư vấn, hỗ trợ đối với người có hoàn cảnh khó khăn khi có nhu cầu và bảo đảm ít nhất 80% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.
Giai đoạn từ năm 2026-2030: Phấn đấu đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội; Tối thiểu có 60% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác có cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội; Tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội tăng tối thiểu 30% so với năm 2025; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 40% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, các ngành có liên quan; và bảo đảm ít nhất 90% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH trong các ngành, lĩnh vực có liên quan, cũng như thực hiện đổi mới cơ chế, phương thức quản lý, vận hành các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp cho các đối tượng yếu thế và người dân có nhu cầu; Quy hoạch và phát triển mạng lưới các cơ sở có cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội trong các ngành, lĩnh vực và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân; rà soát, sắp xếp, phân công cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH tại các trại giam, hệ thống tư pháp, các cơ sở giáo dục, bệnh viện và các cơ sở của ngành LĐ-TB&XH, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, hỗ trợ phạm nhân hoàn lương và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc khác; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH..,
Minh Anh
 
TAG:
Tin khác
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI