An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tích hợp hệ thống dữ liệu và đẩy mạnh thanh toán điện tử trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
03:20 PM 16/06/2020
(LĐXH) Ngày 16/6/2020, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tổ chức Hội thảo “Hệ thống dữ liệu tích hợp và thanh toán điện tử trong thực hiện chính sách an sinh xã hội”.
Các đại biểu chủ trì hội thảo
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Bà Keiko Inoue, Điều phối chương trình phát triển con người, Ngân hàng Thế giới; Bà Lucy Phillips, Bí thư thứ nhất, Bộ phận Kinh tế và Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, cùng đại diện một số Bộ, ngành, viện nghiên cứu, các đối tác phát triển và Lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Bảo trợ xã hội một số tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh: Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù nền kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song Đảng và Nhà nước ta vẫn tập trung nguồn lực cho bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, đã có trên 10 Bộ luật, Luật; 7 Pháp lệnh và hơn 30 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hơn 100 Thông tư, thông tư liên tịch và nhiều văn bản chỉ đạo có liên quan chính sách an sinh xã hội. Nhìn chung, các chính sách an sinh xã hội ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về việc làm, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, chăm sóc người có công, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội. Đồng thời, các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cũng từng bước được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.

Bà Keiko Inoue, Điều phối chương trình phát triển con người, Ngân hàng Thế giới

Bà Lucy Phillips, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu
Thống kê hiện nay, nước ta có khoảng 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Trong đó có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, khoảng 1,4 triệu hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 15 triệu người; BHXH tự nguyện khoảng 500 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13 triệu người; bảo hiểm y tế khoảng 85 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
Để tăng cường quản lý và thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020 và một số văn bản có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 708) với mục tiêu là: ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân; góp phần cải cách thủ tục hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội đồng bộ, thống nhất, bảo đảm quản lý, cập nhật, khai thác thông tin an sinh xã hội chính xác, kịp thời, minh bạch và hiệu quả; đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý của các cấp, các ngành và đối tượng có liên quan.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội và gần đây nhất ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Mục tiêu của Hội thảo là thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong thực hiện các gói trợ giúp an sinh xã hội cho những người bị ảnh hưởng và phân tích các bài học có thể phù hợp với Việt Nam (trong đó có kinh nghiệm đối phó với dịch COVID-19); Cập nhật, chia sẻ các đánh giá về thực trạng hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội làm nền tảng để thúc đẩy ứng dụng thanh toán điện tử hướng tới mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện các chính sách ASXH ở Việt Nam; Thảo luận về định hướng và lộ trình cần thiết cho việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện các chính sách ASXH ở Việt Nam.  
Tại Hội thảo, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện thanh toán hỗ trợ người dân cho các chương trình ASXH, điển hình như tại Ấn Độ là quốc gia có hệ thống thanh toán tiên tiến đã có thể đẩy nhanh việc chi trả, triển khai các chương trình mới một cách dễ dàng. Trong bối cảnh khủng hoảng, các chương trình trước mắt và ngắn hạn này cho phép chi trả cho những người bị ảnh hưởng một cách nhanh chóng và an toàn nhất có thể. Còn tại các quốc gia như Peru, Colombia, Ma rốc, Brazil và Thái Lan đã lựa chọn  hình thức chi trả cho các chương trình cứu trợ do đại dịch COVID- 19 dựa trên tài khoản. Theo đó, người dân có thể nhận và gửi tiền thông qua tài khoản ngân hàng, tiền di động (thông qua tài khoản viễn thông) và tài khoản thẻ trả trước. Những giải pháp này mang đến các lựa chọn linh hoạt và thuận tiện cho đối tượng thụ hưởng, đồng thời giúp chính phủ tiết kiệm chi phí, giảm lãng phí và nâng cao hiệu quả.
Còn tại Việt Nam, để đối phó với đại dịch COVID - 19, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ thu nhập để hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng như người nghèo, cận nghèo, lao động phi chính thức bị mất thu nhập, lao động có hợp đồng lao động phải nghỉ việc không lương... Tuy nhiên, việc đăng ký, xác định đối tượng và thực hiện chi trả vẫn còn gặp nhiều khó khăn do việc chi trả cho các đối tượng ASXH hiện nay chủ yếu bằng tiền mặt, đòi hỏi phải tiếp xúc và tương tác nhiều với một số lượng lớn người đến nhận tiền. Việc đăng ký đối tượng mới được thực hiện thủ công với nhiều quy trình, giấy tờ, thủ tục.
Theo TS. Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, đối với Việt Nam hiện nay việc xây dựng hộ thống cơ sở dữ liệu, chuyển sang thanh toán điện tử trong thực hiện chính sách an sinh xã hội khi triển khai sẽ gặp một số khó khăn như: Tính tuân thủ luật của người dân chưa cao; chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; trang thiết bị cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
Cũng đồng quan điểm, đại diện Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - TBXH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, để thực hiện được việc tích hợp dữ liệu và thanh toán điện tử trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cần thay đổi nhận thức của đối tượng thụ hưởng, người dân và cán bộ trực tiếp thực hiện; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu đồng bộ; xây dựng được văn bản hướng dẫn đồng bộ, liên ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở; bảo mật thông tin.
Để hệ thống ASXH có độ bao phủ toàn diện có thể chuẩn bị ứng phó tốt với những rủi ro trong tương lai thì cần kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu khác nhau như trợ giúp xã hội, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, tránh trùng lắp và có thể kiểm trả các điều kiện hưởng để xác định đối tượng hưởng của chương trình; Có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn về việc mở tài khoản ngân hàng cho người dân ở thành thị và nông thôn, đặc biệt là cho các đối tượng trợ giúp xã hội nhằm thực hiện chi trả trợ tiếp và tài khoản của đối tượng thụ hưởng; Có sự tham gia của nhiều đơn vị thực hiện chi trả để người dân có thể lựa chọn phương thức nhận và rút tiền phù hợp./.

Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24