An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tích hợp chính sách xã hội để mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội và đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu
05:23 PM 16/06/2022
(LĐXH) - Đó là chủ đề chính của Hội thảo do Viện Khoa học Lao động Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức ngày 16/6/2022. Đây là Hội thảo thứ hai nằm trong chuỗi 3 hội thảo quốc tế phục vụ Tổng kết Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội; bà Ingrid Christensen –Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế  tại Việt Nam; TS. Bùi Sỹ Lợi – chuyên gia cao cấp của Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có TS. Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; các thành viên Tổ biên tập giúp việc Ban chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; các chuyên gia đến từ ILO, UNICEF, WHO, UN Habitat; đại diện Bộ, ngành, viện nghiên cứu và các đơn vị trong Bộ LĐ-TB&XH.
TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Tôn Hiến cho biết: Nghị quyết số 15-NQ/TW tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội. Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Bà Ingrid Christensen –Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế  tại Việt Nam phát biểu
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác chăm lo chính sách xã hội có bước tiến bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; cải thiện chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hệ thống chính sách xã hội cơ bản đồng bộ, toàn diện, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững, là điểm sáng được quốc tế đánh giá cao. Người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế được Nhà nước và xã hội trợ giúp thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng và trở thành trụ cột quan trọng của an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Hải Đạt, Tổ chức Lao động Quốc tế  tại Việt Nam trình bày tham luận về Tích hợp và liên kết giữa các chính sách ASXH và việc làm tại Việt Nam
Những thành quả đạt được trong thời gian qua, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự ưu việt của chế độ ta và một phần chỉ ra thành công của Nghị Quyết 15 mà chúng ta đang tiến hành tổng kết.
Tuy nhiên, theo TS. Bùi Tôn Hiến, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Các chính sách ASXH khác nhau được thực hiện bằng các công cụ pháp lý độc lập, chưa đồng bộ và còn chồng chéo nhất định, thiếu tính liên kết, đặc biệt về mối quan hệ hữu cơ giữa các chính sách việc làm và chính sách ASXH, nhằm giải quyết thách thức to lớn của một tỷ lệ lớn ( (54,6% việc làm; 68,1% cả LĐ nông nghiệp) lao động trong khu vực phi chính thức và thường không được bao phủ bởi các chính sách ASXH nhất là BHXH và các chính sách trợ giúp trong trường hợp gặp rủi ro, về sức khoẻ, hay việc làm và thu nhập cũng như các vấn đề khác mà làm cho người dân có thể rơi vào thất nghiệp, nghèo khó,..
Toàn cảnh Hội thảo
“Chúng ta phải đối diện với thách thức lớn để làm thế nào để vừa mở rộng độ bao phủ của của hệ thống ASXH theo mục tiêu bao trùm, đồng thời với giải quyết thách thức nâng cao chất lượng việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (thực hiện được cả đột phá nguồn nhân lực), nâng cao năng suất lao động. Do vậy, cần quan tâm việc phát triển khung chính sách chiến lược về ASXH, hướng đích các chính sách này trong dài hạn vào lao động trong khu vực phi chính thức, đóng góp cả cho nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng và phát triển kinh tế lẫn để đạt mục tiêu mở rộng ASXH toàn dân…đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội. Tăng cường phối hợp và liên kết giữa các chính sách An sinh xã hội khác nhau, giữa chính sách ASXH với các chính sách kinh tế, chính sách việc làm hy vọng là hướng mở, tích cực để đảm bảo sự mở rộng bao trùm và hỗ trợ một cách toàn diện và bền vững cho hệ thống An sinh xã hội tại Việt Nam” – TS. Bùi Tôn Hiến nhấn mạnh.
TS. Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bình luận về các tham luận
Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ ILO, UNICEF, WHO và UN Habitat đã trình bày các bài tham luận và giải đáp nhiều câu hỏi và bình luận của các đại biểu về các chủ đề: Tích hợp và liên kết giữa các chính sách ASXH và việc làm tại Việt Nam; Đảm bảo tiếp cận các dịch vụ thiết yếu ở Việt Nam thông qua các can thiệp bổ trợ tiền mặt; bao phủ toàn dân các dịch vụ y tế thiết yếu và phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam: từ chính sách đến thực tiễn.
TS. Bùi Sỹ Lợi – chuyên gia cao cấp, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Đại dịch Covid -19 hai năm vừa qua đã làm bộc lộ những yếu kém, tồn tại trong chính sách xã hội như vấn đề nhà ở cho người lao động thu nhập thấp ở đô thị, người dân di cư, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất; vấn đề tiếp cận và chất lượng dịch vụ y tế, năng lực và điều kiện phục vụ của y tế cơ sở còn nhiều hạn chế. Đó cũng là những chủ đề chính được thảo luận tại Hội thảo, cho thấy sự cần thiết phải tích hợp các chính sách xã hội để mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội và đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu. TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, các chính sách xã hội hiện nay còn phân tán, phân mảng, thiếu kết nối và phối hợp nhưng việc tích tích hợp các chính sách xã hội không có nghĩa là tổng hợp các chính sách vào một văn bản mà là liên kết các chính sách sao cho thống nhất, tránh chồng chéo và tập trung nguồn lực. Bên cạnh đó cần tập trung nhận diện các nhóm đối tượng chưa được bao phủ về an sinh xã hội; làm rõ hơn các thách thức để đưa ra các kiến nghị cho Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 15 chọn lọc tham khảo để đưa vào đánh giá việc thực Nghị quyết thời gian qua cũng như xây dựng Nghị quyết mới cho thời gian tới.
Đức Dương
TAG:
Tin khác
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa