Thương binh nặng Trần Quang Liệu: “Bông hoa đẹp” của thủ đô
(LĐXH)- Thương binh nặng Trần Quang Liệu (sinh năm 1954, hiện ở tổ 19 phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) như một bông hoa thắm trong vườn hoa đẹp với những nghị lực phi thường trong mọi hoàn cảnh; là một người đáng kính, đáng học tập, một tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Năm 17 tuổi, học xong cấp 3, người thanh niên Trần Quang Liệu tạm biệt quê hương thân yêu lên đường nhập ngũ. 3 tháng hành quân bộ vào chiến trường B1 Bình Định với bao dốc, đèo núi rừng Trường Sơn là những năm tháng không bao giờ quên.
Năm 1972, khói lửa chiến tranh bao trùm cả nước. Trong một trận chiến tại huyện Phù Mỹ (Bình Định), chiến sĩ Trần Quang Liệu bị một mảnh pháo găm vào nửa bên mặt, vết thương quá nặng khiến ông mất sức 81% vĩnh viễn.
Sau những ngày điều trị tại bệnh viện dã chiến, ông được ra Bắc. Khi điều trị tạm ổn định, ông được chuyển về Trại thương binh xã hội.Ông Trần Quang Liệu bên những trang văn thơ lưu lại thời gian đứng trên bục giảng (ảnh Tư liệu)
“Ở đây tôi thấy mình không làm được việc gì cho bản thân và xã hội, chỉ là nghỉ dưỡng đơn thuần nên rất áy náy. Với lòng ham học hỏi và ý chí quyết tâm, sau một tháng tự ôn tập văn hóa, tháng 7 năm 1975 tôi thi đỗ vào khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học khoa học Tự nhiên). Sau 5 năm đại học, vật lộn với bài vở, tôi tốt nghiệp ra trường và trở thành thầy giáo dậy toán” – ông nhớ lại.
Ra trường, ông đã giảng dậy ở trường tại chức Kinh tế Kỹ thuật Hải Hưng. Năm 1993, ông được điều chuyển về giảng dạy ở trường Trung học cơ sở Thượng Thanh cho đến khi đủ tuổi về nghỉ hưu. Trong thời gian đứng trên bục giảng, ông luôn đem hết sự hiểu biết và nhiệt tình của mình truyền đạt kiến thức cho học trò.
Ông kể: "Tôi càng đi dạy càng cảm thấy yêu nghề dạy học. Đó vẫn là sự lựa chọn đúng đắn của tôi. Đi dạy học hay lắm. Nhiều khi mình phải thay đổi cách truyền đạt linh hoạt cho các em hiểu. Không phải giảng bài nào cũng như bài nào, các em sẽ chán ngay, nên tự mình phải thay đổi hàng ngày”.
Với nỗ lực như vậy ông đã đạt được những thành tích cao và được khen thưởng như: Năm 1977 được nhận Bằng khen của hiệu trưởng trường đại học vì có thành tích xuất sắc trong học tập; năm 1983 được Bằng khen của UBND tỉnh Hải Dương về thành tích giảng dạy; được nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.Ông Trần Quang Liệu cùng với những học trò của mình tại trường THCS Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội (ảnh Tư liệu)
Khi nghỉ hưu, người thương binh, thầy giáo Trần Quang Liệu sống với bà con tổ dân phố 19, được xóm giềng thương yêu, đùm bọc. Đáp lại tình cảm của mọi người, ông luôn đoàn kết thân ái, giúp đỡ các cháu học toán. Nhiều cháu dù đã khôn lớn, trưởng thành nhưng vẫn luôn nhờ đến thầy.
Dù thị lực con mắt còn lại của ông suy giảm nhiều và được bác sĩ khuyên nghỉ dưỡng, nhưng bất cứ đứa trẻ nào trong vùng gõ cửa, ông đều nhiệt huyết giảng dạy mà không cần thù lao, nhất là với những học trò nghèo hiếu học.
Ngoài việc giảng dạy, vợ chồng ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội và các hoạt động từ thiện. Năm nào gia đình ông cũng đi trao quà tại các địa chỉ cần được giúp đỡ. Hàng ngày vợ chồng ông đi vận động các tổ chức, cá nhân, mọi người quyên góp về tài chính và hiện vật, thu nhận quần áo cũ về giặt, gấp đóng thành thùng và gửi tặng đến những nơi còn khó khăn. Gia đinh ông được công nhận Gia đình Chữ thập đỏ cấp thành phố năm 2017.
Là đảng viên, ông luôn suy nghĩ đừng làm gì trái với quy định của Đảng. Là một thương binh, một cựu chiến binh luôn làm theo điều lệ hội, tham gia các hoạt động như câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ văn nghệ tổ dân phố, mang những vần thơ, điệu hát ca ngợi cuộc sống tươi đẹp.
Năm 2018, ông được thành phố chọn là một trong 3 “Bông hoa đẹp tháng 7” của thủ đô.
Ông luôn tâm niệm phấn đấu nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng tổ dân phố, các chi hội mình tham gia, phấn đấu mãi mãi giữ trọn phẩm chất người lính cụ Hồ./.
Hồng Hà
TAG: