An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thực trạng tính phí và kiến nghị từ cơ sở trực tiếp thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt
11:45 AM 03/06/2022
(LĐXH)- Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2022 với chủ đề “Chỉ một Trái đất” và để làm rõ các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định 08 liên quan đến chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, sáng 3/6/2022, Tạp chí Môi trường và Đô thị tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.
Tham dự buổi tọa đàm có GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và KCN Việt Nam; TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị trực tiếp thu gom, xử lý chất thải tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cuộc tọa đàm thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (Luật BVMT) được Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực ngày 1/1/2022. Ngày 10/1/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định số 08/2022/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08). Luật BVMT cũng như Nghị định 08 có nhiều điểm mới hơn so với Luật BVMT năm 2014. Trong đó có quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt .
Việc tính chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định mới có gì khác trước đây ? Thế nào là tính đúng, tính đủ ? Việc tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo phương pháp nào? Các đơn vị liên quan gặp thuận lợi và khó khăn gì trong công tác xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt? Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc tính phí dịch vụ nói trên... Các ý kiến phát biểu tại toạ đàm đã phân tích và làm rõ những vấn đề nêu trên.
Tại buổi tọa đàm Ban tổ chức,các diễn giả sẽ có thông tin và những bài tham luận về các quy định mới trong Luật BVMT năm 2020 và Nghị định 08 liên quan chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thực trạng tính phí thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải tại Việt Nam; kiến nghị từ cơ sở trực tiếp thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Báo cáo tham luận của Công ty Môi trường đô thị các tỉnh, thành phố như : Lào Cai, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh đã đề cập rất nhiều vấn đề xung quanh đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Nhiều năm nay, việc tham mưu điều chỉnh bộ đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
chưa được thực hiện gây khó khăn cho đơn vị cung ứng dịch vụ (Ảnh minh họa)
Cụ thể, Công ty cổ phần môi trường đô thị Lào Cai đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa bản đồ các tuyến thu gom, vận chuyển rác thải; giám sát công tác thu gom, vận chuyển rác thải và công tác phân loại rác tại nguồn; sử dụng phần mềm tin học để thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bằng thiết bị di động thông minh theo một quy trình liền mạch, tích hợp hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai cũng chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp không nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền dịch vụ; đơn vị thực hiện công tác thu phí dịch vụ chưa được tính phần trăm từ số tiền thu được.
Đề cập giá dịch vụ, đại diện Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định số 2239/QĐ-UBND quy định: Khi giá đầu vào (như tiền lương, giá xăng, giá dầu) quy định tại quyết định này có biến động liên tục kéo dài trong thời hạn 60 ngày gây chênh lệch giá lớn làm đơn giá (chi phí dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt) giảm 10% hoặc tăng 20% trở lên hoặc chính sách Nhà nước về tiền lương, quản lý, xây dựng đơn giá dịch vụ công ích thay đổi thì Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên nhiều năm nay việc tham mưu điều chỉnh bộ đơn giá chưa được thực hiện gây khó khăn cho đơn vị cung ứng dịch vụ công ích trong việc thương thảo, hợp đồng với cơ quan, tổ chức, khách hàng không sử dụng ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến chế độ chính sách cho người lao động.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thiếu đồng bộ và chưa phù hợp. Do phân cấp cho UBND cấp huyện ban hành mức giá cụ thể dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng cho đối tượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tại địa phương, dẫn đến mỗi địa phương ban hành một mức khác nhau tạo sự thiếu đồng bộ, thống nhất trên toàn thành phố. Giá dịch vụ thu gom thủ công cao gấp 2 lần so với giá thu gom bằng cơ giới đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại để tăng năng suất, giảm lao động nặng nhọc cho công nhân.
Tọa đàm Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt
Sau khi phân tích thực trạng về chi phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt các ý kiến trình bày tại tọa đàm đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể:
Thứ nhất: Các Bộ ngành có liên quan cần nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện. Cần có quy định cụ thể về mức thu, tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị. Quy định khoản bù trừ đối với trường hợp thất thu.
Thứ hai: Có chế tài đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thứ ba: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan như: UBND các cấp, các cơ quan chức năng liên quan, tổ trưởng dân phố và đối tượng sử dụng dịch vụ.
Thứ tư: Trong cơ cấu giá chi phí dịch vụ cần có tỷ lệ phần trăm thích hợp để bồi dưỡng cho người công nhân trực tiếp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt  đồng thời để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc cho người công nhân.
Toạ đàm là cơ hội để Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam dùng làm căn cứ tập hợp ý kiến của các đơn vị, từ đó có văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét sớm xây dựng, ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật, định mức chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo tinh thần của Luật BVMT và Nghị định 08.
Đồng thời, ý kiến của các đại biểu tại cuộc  Tọa đàm cũng là thông tin, tư liệu cần thiết để đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là các chuyên gia Bộ Tài nguyên và Môi trường dùng làm căn cứ xây dựng hoàn chỉnh các quy định về chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo tinh thần Luật BVMT, Nghị định 08.
Thông qua toạ đàm, phóng viên các cơ quan báo chí tham dự tọa đàm đã có cái nhìn tổng thể, khách quan về thực trạng chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, cũng như các kiến nghị từ những người  lao động trực tiếp, từ đó sẽ có các bài báo phân tích chuyên sâu, lan toả đến cộng đồng./.

Thảo Lan
 
TAG:
Tin khác
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa