Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, tăng cường truyền thông về việc làm và bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH)- Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách BHXH, trong 3 ngày 17-19/5/2018, tại thành phố Hải Dương, Tạp chí Lao động và Xã hội đã phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – TBXH) tổ chức Hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí với sự tham dự và chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; TS. Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh Hải Dương cùng lãnh đạo và hơn 100 phóng viên của 80 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, trong những năm qua, lĩnh vực lao động, việc làm ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Trong những thành tựu chung đó, phải kể đến vai trò của công tác truyền thông báo chí. Bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, các chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp đã được truyền tải đến các cơ quan doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động. Cục Việc làm, Sở Lao động – TBXH, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố đã nhận thức được tầm quan trọng của các cơ quan báo chí, trên cơ sở đó đã chủ động, tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách việc làm, lao động. Nhờ đó, nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động, các ban, ngành về kết nối cung cầu lao động, việc làm đã được nâng lên.
Các đại biểu chủ trì Hội nghị Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, trong bối cảnh Hội nghị Trung ương 7 đã thông qua 02 Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí có ý nghĩa rất quan trọng. Thứ trưởng đánh giá cao những vấn đề, nội dung mà hội nghị đề cập như: Vấn đề việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; các hoạt động tham quan, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm. Đây là dịp để cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, các cơ quan thực thi tại các địa phương cùng các cơ quan thông tấn, báo chí trao đổi, thảo luận, chia sẻ về những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác truyền thông về việc làm. Đồng thời cũng là dịp tạo điều kiện để các phóng viên đi thực tế, thu thập tư liệu, viết tin, bài về các mô hình, kinh nghiệm hay trong lĩnh vực này.
Để công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị, Tạp chí Lao động và Xã hội, Cục Việc làm nghiên cứu, rà soát đánh giá, thu thập đầy đủ các thông tin về văn bản chính sách lĩnh vực việc làm mà Bộ đang triển khai, nghiên cứu để chia sẻ cho các cơ quan báo chí phục vụ cho công tác truyền thông. Đối với các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp, góp phần đưa các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, giúp người lao động, người dân có việc làm, thu nhập cao.
TS. Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm thông tin tại Hội nghị
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm khẳng định, giải quyết việc làm cho người lao động luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Việt Nam xuyên suốt quá trình phát triển. Công tác quản lý Nhà nước về việc làm là một nội dung hết sức quan trọng nhằm đảm bảo việc thực thi các quy định, chính sách về việc làm một cách hiệu quả. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Lao động năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006 và 2007), Bộ luật Lao động năm 2012 đã tạo khung pháp lý cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động một cách đầy đủ, đồng thời quy định rõ vai trò quản lý Nhà nước về lao động nói chung, về việc làm nói riêng.
Đặc biệt, nhằm cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 và thể chế hoá chủ trương, đường lối, quan điểm và định hướng xây dựng đất nước của Đảng, ngày 16/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Việc làm. Đây là văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho mọi lao động trong xã hội, đồng thời lần đầu quy định rõ nội dung công tác quản lý nhà nước về việc làm. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống các chính sách về việc làm chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách về việc làm còn mang tính chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể, thiếu các chính sách về việc làm bền vững. Các chính sách về việc làm ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn chưa được quy định cụ thể. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện các chính sách còn chậm, công tác quản lý và nắm thông tin về còn hạn chế, chưa đầy đủ, kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý lao động nói chung.
Bà Lê Kim Dung cho rằng, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về việc làm trong giai đoạn tới, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp đang triển khai cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng.
TS. Trần Ngọc Diễn đề xuất những giải pháp đẩy mạnh truyền thông về việc làm Tại Hội nghị, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho biết, hiện nay công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm đã có nhiều chuyển biến. Hiện nay, nước ta có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó có khoảng 700 cơ quan báo in với trên 1.000 ấn phẩm, 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương), 606 đài cấp huyện; cùng với đó là hàng trăm báo, tạp chí điện tử, hàng ngàn trang thông tin điện tử tổng hợp đã tạo nên sức lan tỏa vô cùng lớn. Tất cả các loại hình báo chí đều dành dung lượng đáng kể để tuyên truyền về lĩnh vực việc làm. Trong các loại hình báo in, lĩnh vực việc làm được tuyên truyền khá đậm nét. Nhiều cơ quan báo chí đã thường xuyên có tin, bài giới thiệu về các chính sách việc làm; thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều báo có ấn phẩm chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục về việc làm, Dưới tác động của hệ thống truyền thông đại chúng, vấn đề việc làm, quản lý lao động, đã nhanh chóng trở thành một vấn đề thời sự được nhiều người quan tâm. Chúng ta chỉ cần gõ từ khóa “việc làm” trong google, đã có thể cho ngay 12.700.000 kết quả trong 0,76 giây; hay từ khóa “bảo hiểm thất nghiệp” cũng cho ngay 1.420.000 kết quả trong 0,57 giây.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về việc làm, TS. Trần Ngọc Diễn cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần có định hướng truyền thông cho các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về việc làm, quản lý thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp một cách cụ thể, sâu sát; Chủ trì, phối hợp với ngành Lao động - TBXH xây dựng các ấn phẩm, khẩu hiệu phục vụ công tác tuyên truyền; Chỉ đạo các cơ quan báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục về việc làm, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến lĩnh vực việc làm. Đối với các cơ quan báo chí, cần coi công tác tuyên truyền về việc làm là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, chủ động xây dựng kế hoạch, có nội dung cụ thể để phổ biến, tuyên truyền, kịp thời đưa tin, bài phản ánh, giúp người dân nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của công tác việc làm đối với sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Cục Việc làm (Bộ Lao động- TBXH) cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức triển khai công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện Luật Việc làm, Chương trình Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và ATVSLĐ giai đoạn 2016 - 2020; Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì thực hiện các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về việc làm; tổ chức chiến dịch truyền thông về việc làm, lập nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…
Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương trình bày về kết quả thực hiện các chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở Hải Dương và một số kiến nghị TS. Trần Bá Dung - Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận về Truyền thông về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp - Những vấn đề cần lưu ý Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện một số đơn vị như Sở Lao động – TBXH tỉnh Hải Dương, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và một số cơ quan báo chí chia sẻ một số nội dung xung quanh công tác lao động việc làm như: Kết quả triển khai quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam và một số giải pháp; Chính sách BHTN và định hướng; Kết quả thực hiện các chính sách việc làm, quản lý lao động, BHTN ở Hải Dương và một số kiến nghị; Hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm và định hướng thời gian tới; Đẩy mạnh công tác truyền thông về việc làm, quản lý lao động trên các báo điện tử hiện nay.
Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu đi tìm hiểu thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương.
Ông Lê Trọng Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp Trước đó, Hội nghị đã tiến hành chia nhóm nhằm thảo luận về thực trạng công tác truyền thông về chính sách việc làm hiện nay và các phương thức truyền thông để đưa chính sách đến với người lao động và người sử dụng lao động; Những khó khăn hiện nay trong công tác truyền thông về việc làm, từ đó đề ra các giải pháp, các kiến nghị đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp trên các cơ quan báo chí. Theo các đại biểu, khó khăn trong truyền thông về việc làm hiện nay là: Nội dung tuyên truyền, phổ biến chưa được chọn lọc, chưa sát với thực tế, chưa có trọng tâm, trọng điểm; Đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách ở cơ sở còn thiếu thông tin và nắm rõ các nghiệp vụ để triển khai ở cơ sở, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện chính sách; Phương thức tuyên truyền còn chưa phong phú, còn đơn điệu, chưa hấp dẫn. Việc tuyên truyền về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp trên các cơ quan báo chí vẫn còn một chiều, chỉ phản ánh đậm nét về lĩnh vực này khi có các vụ việc phát sinh… Đặc biệt, nội dung tuyên truyền về việc làm cũng chưa phản ánh sinh động thực tế, hình thức chưa phong phú. Mặc dù tuyên truyền khá nhiều nhưng báo chí mới chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa tin, phản ánh sự kiện, giới thiệu các quan điểm, chủ trương, chưa có những bài viết sâu sắc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng cái hay, loại bỏ cái dở, thiếu những bài bình luận, chuyên luận mang tính khái quát cao, thiếu nhiều bài viết hấp dẫn mang tính hai chiều. Cách thức thể hiện, truyền tải thông tin chưa hấp dẫn đông đảo bạn đọc. Chính vì vậy, mặc dù tuyên truyền, phản ánh nhiều về chính sách cũng như cơ hội về việc làm, lập nghiệp, thông tin thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Tổng Biên tập Báo Lào Cai nêu giải pháp thúc đẩy truyền thông về việc làm, quản lý lao động và thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên các cơ quan báo chí hiện nayTừ thực trạng đó, các đại biểu đã đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo điện tử và các cơ quan liên quan thuộc bộ, ban, ngành cần có cơ chế phối hợp hoặc ký kết liên tịch về nội dung đẩy mạnh nâng cao chất lượng hiệu quả công tác truyền thông trên lĩnh vực việc làm nhằm giúp người lao động nắm bắt cơ hội, nhanh chóng tím việc làm, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, để tuyên truyền có hiệu quả về vấn đề việc làm, đòi hỏi báo chí phải tự đổi mới. Từ tổng biên tập đến phóng viên phải nâng cao trách nhiệm, tổ chức các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về lao động hợp lý. Tổ chức cho biên tập viên, phóng viên đi thực tế, bám sát xu hướng dịch chuyển lao động để hướng dẫn người lao động lựa chọn việc làm phù hợp với khả năng và xu hướng của thời đại. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với công chúng, giao lưu trực tuyến trên các báo điện tử, thông tin kịp thời các nhu cầu về việc làm của các địa phương, khu vực, vùng miền một cách khoa học và có tính chất phổ thông rộng rãi.../.
Nhóm PV