An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững trong tình hình mới
09:12 AM 26/01/2023
(LĐXH) - Sau 02 năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ làm cho công tác giảm nghèo đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Song, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo đạt nhiều thành tựu, nổi bật là hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo đã được ban hành khá đồng bộ, toàn diện.
Ở cấp Trung ương, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cấp ủy và UBND các cấp đều xây dựng kế hoạch cụ thể và đưa vào kế hoạch hằng năm của cấp ủy, chính quyền để triển khai thực hiện; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững; vận động đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động và cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị tập huấn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025
Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí tối thiểu 75 nghìn tỷ đồng với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Để triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ các quyết định về  tiêu chí huyện nghèo và phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương bố trí ngân sách để tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo cho người dân theo quy định; đồng thời, phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo, thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong năm, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí khoảng 23.000 tỷ để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung (hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; về giáo dục và đào tạo; về y tế; về nhà ở; về trợ giúp pháp lý; về văn hóa, thông tin...) và 8.620 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tỷ lệ hộ nghèo đã từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,23% năm 2021. Ảnh minh họa
Với những nỗ lực nêu trên, công tác giảm nghèo trong 2 vừa qua đã đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo đã từ 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) xuống còn 2,23% năm 2021, trung bình mỗi năm giảm 1,27%. Riêng năm 2022, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều  giảm khoảng 1,2% so với cuối năm 2021, đạt mục tiêu đề ra. Đã có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo, sản xuất và làm kinh tế giỏi; hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả; nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn do là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, xu hướng già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo.
Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 14% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 3,8 triệu hộ; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 8% (2,2 triệu hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6% (1,6 triệu hộ). Để đạt được mục tiêu “Giảm tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì ở mức 1 - 1,5%/năm” góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2022-2025, Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, tích hợp, hoàn thiện chính sách giảm nghèo bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới thực chất cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo. Đối với hộ nghèo không có khả năng lao động thực hiện các biện pháp hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động xã hội hóa. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng. Quan tâm tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ ba, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc Việt Nam. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Tích cực tuyên truyền, giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
Thứ sáu, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp. Xây dựng cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giảm nghèo; Khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo bền vững; trong đó, tập trung vào hiệu quả thực hiện Chương trình, chính sách giảm nghèo; xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình; hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình./.

TS. Lê Văn Thanh

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa