Thực hiện các giải pháp nhằm đưa Luật trẻ em vào cuộc sống
Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử từ Cách mạng tháng Tám và hệ thống pháp luật quốc gia đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Luật trẻ em (được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 05/4/2016 tại kỳ họp thứ 11) đã quy định cụ thể các quyền và bổn phận của trẻ em; các chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là về bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Luật cũng quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Để Luật trẻ em mới được triển khai có hiệu quả, đi vào cuộc sống, cần phải triển khai đồng bộ các biện pháp để từng bước đạt mục đích xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em; ưu tiên tạo điều kiện để mọi trẻ em được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi trẻ em. Cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các chương trình, mục tiêu về trẻ em; sự thiếu trách nhiệm và thiếu đồng bộ trong phối hợp liên ngành, liên cấp, liên địa phương để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực hiện quyền trẻ em; sự thiếu chủ động trong việc phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em cũng như thiếu kịp thời trong việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại. Cần tăng cường giám sát việc báo cáo, giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.
Theo quy định của Luật trẻ em mới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước chung về trẻ em, điều phối việc thực hiện quyền trẻ em. Trong năm 2017, Bộ sẽ tập trung triển khai những công tác chủ yếu sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong tình hình mới đến từng chi bộ, đảng bộ cơ sở và Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn dân cư. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện và hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra, giám sát chuyên đề từng nội dung của Chỉ thị số 20-CT/TW và việc chỉ đạo triển khai những quy định mới của Luật trẻ em đối với các cấp ủy đảng.
2. Phổ biến, giáo dục Luật trẻ em, tập trung cho những nội dung, chính sách, biện pháp mới được quy định trong Luật. Xây dựng danh mục và triển khai thực hiện việc định hướng nội dung, biên soạn tài liệu và thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục Luật phù hợp với từng nhóm đối tượng: công chức quản lý nhà nước, viên chức cung cấp dịch vụ công, người làm công tác bảo vệ trẻ em và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng dân cư, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các thành viên gia đình.
3. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật. Về lâu dài, cần rà soát hệ thống pháp luật và văn bản dưới luật cũng như các chính sách liên quan đến trẻ em để có lộ trình bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với Luật trẻ em - một trong những Luật thuộc hệ thống văn bản pháp luật về quyền con người.
4. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và đề án thành lập Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em. Với vai trò, nhiệm vụ thường trực cho Tổ chức này, Bộ cần chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc để tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực trẻ em và các thành viên của Tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ điều hòa, thúc đẩy các hoạt động phối hợp liên ngành, liên cấp bảo đảm việc thực hiện các quyền trẻ em, giải quyết kịp thời các vấn đề về trẻ em.
5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình, kế hoạch về hoặc có liên quan đến trẻ em phù hợp với các nguyên tắc, yêu cầu và quy định cụ thể của Luật trẻ em, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 cũng như các yêu cầu hội nhập khu vực, toàn cầu. Trong đó, một số nội dung, vấn đề trọng tâm cần ưu tiên trong thời gian tới:
- Xây dựng, thực hiện hoặc lồng ghép thực hiện các chính sách trợ giúp thực hiện các quyền trẻ em nói chung, ưu tiên chính sách trợ giúp có điều kiện cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Lồng ghép vấn đề nghèo trẻ em trong chính sách tiếp cận giảm nghèo đa chiều. Các chỉ tiêu về trẻ em nói chung phải được thể hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các Bộ, ngành.
- Đánh giá và rà soát các tiêu chí về xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, kết hợp, lồng ghép với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để trở chỉ tiêu xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em trở thành một tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, địa phương.
- Triển khai thực hiện một cách có hệ thống và hiệu quả các Chương trình, đề án đã được phê duyệt: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2012 - 2020; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh như: Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ hòa nhập và phát triển tại cộng đồng; Phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng...
- Duy trì và phát triển dịch vụ công và các mô hình bảo vệ trẻ em để dịch vụ bảo vệ trẻ em trở thành hệ thống dịch vụ cơ bản bảo đảm thực hiện quyền trẻ em cùng với dịch vụ giáo dục và y tế. Quy hoạch các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, kết nối với các dịch vụ xã hội khác nhằm đáp ứng việc bảo vệ trẻ em ở cả 03 cấp độ: xây dựng môi trường sống an toàn; phòng ngừa sớm tổn hại; can thiệp và tái hòa nhập tích cực; quản lý từng trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được kiện toàn theo hướng Nhà nước ưu tiên đầu tư kết hợp với thu hút đầu tư từ xã hội theo hình thức hợp tác công - tư.
- Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình đáp ứng các quyền của trẻ em: Ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; Hỗ trợ và tái hòa nhập trẻ em vi phạm pháp luật; Chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS; Các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như Diễn đàn trẻ em, Hội đồng trẻ em, Câu lạc bộ trẻ em, Chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện, Thăm dò ý kiến trẻ em, Diễn đàn trẻ em quốc gia và các cấp nhằm phát huy vai trò của trẻ em trong việc thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em, thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
6. Hướng dẫn địa phương triển khai các nội dung mới của Luật. Rà soát, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về quyền trẻ em và bảo đảm thực hiện Luật trẻ em cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác trẻ em tại địa phương. Xây dựng đề án bố trí Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và Cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng dân cư. Thực hiện cơ chế báo cáo, giải trình việc thực hiện quyền trẻ em giữa UBND các cấp với HĐND cùng cấp. Nghiên cứu việc thành lập Tổ chức phối hợp liên ngành cấp tỉnh. Duy trì cơ cấu tổ chức và cơ chế phối hợp liên ngành các cấp: Ban chỉ đạo, Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh, huyện, xã.
7. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình về BVCSTE, kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp. Bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em. Cập nhật thông tin, phân tích, dự báo tình hình trẻ em và việc thực hiện các quyền trẻ em, kết quả các chương trình, dự án, kế hoạch về trẻ em từ trung ương đến cơ sở.
8. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế nhằm duy trì, mở rộng hợp tác với các chính phủ và các tổ chức quốc tế trong hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn lực thực hiện quyền trẻ em. Tham gia các tổ chức, diễn đàn về trẻ em ở khu vực và trên thế giới nhằm trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật để hoàn thiện luật pháp, chính sách, thực hiện quyền trẻ em./.
Đào Hồng Lan
Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
TAG: