Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em ở một số lĩnh vực quan trọng
02:39 PM 08/11/2016
(LĐXH) - Trong 2 ngày 7 – 8/11/2016, tại Malaysia, lãnh đạo cấp cao đến từ 28 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhóm họp nhằm thảo luận các cách thức thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em ở một số lĩnh vực quan trọng. Sự kiện “Một tỉ khối óc: Trẻ em thông minh hơn, kinh tế vững mạnh hơn” do Chính phủ Malaysia chủ trì. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan dẫn đầu.
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có hơn 1 tỷ trẻ em, chiếm gần 1/2 số công dân dưới 18 tuổi trên toàn cầu. Tại cuộc họp, 3 lĩnh vực cụ thể là bảo trợ xã hội, chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, phổ cập y tế toàn dân được xem xét, tạo cơ hội cho các quốc gia chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm đối phó với các thách thức, vì sự tiến bộ của trẻ em. Trong đó, mỗi cuộc thảo luận dựa trên một báo cáo chuyên đề và có chung kết luận: đầu tư vào các lĩnh vực này sẽ tạo ra đóng góp lớn cho tương lai và sự thịnh vượng của khu vực.
Hội nghị do Chính phủ Malaysia chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo 28 quốc gia

Bộ trưởng Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển Cộng đồng của Malaysia - YB Dato Sri Rohani Abdul Karim Rohani phát biểu: “Phát triển nguồn vốn con người là một yếu tố then chốt để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong Kế hoạch Quốc gia thứ 11 của Malaysia, Chính phủ Malaysia đã đề ra khung làm việc để đảm bảo có đủ lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của tất cả các khu vực kinh tế hướng tới các hoạt động tập trung vào tri thức, nâng cao năng suất lao động và thu hút đầu tư vào Malaysia. Các kết quả gần đây của những nghiên cứu được đưa ra thảo luận tại cuộc họp này cung cấp những bằng chứng mới hết sức ấn tượng về tỉ suất lợi tức vô cùng cao nếu tiếp tục phát triển hơn nữa tiềm năng của con người bằng cách tập trung vào bảo trợ xã hội, chấm dứt bạo lực trẻ em, và phổ cập y tế toàn dân”.

“Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đại diện cho một lực lượng đáng kinh ngạc về nguồn vốn con người chưa được khai thác – những khối óc và tương lai của 1 tỉ trẻ em. Đó là những nguồn lực mà tất cả chúng ta đều dựa vào để định hình một tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn. Đầu tháng này, các số liệu thống kê mới được công bố đã cho thấy có khoảng 43% trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đang có nguy cơ không phát triển hết được tiềm năng nhận thức của mình. Không một quốc gia nào có thể chấp nhận rủi ro đánh mất tiềm năng trí óc của gần một nửa những công dân trẻ tuổi nhất của mình, các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình lại càng không thể, nhất định không thể tại thời điểm này" - Phó Giám đốc Điều hành UNICEF – Omar Abdi chia sẻ.     

Giải quyết vấn đề dễ bị tổn thương và thiệt thòi có liên quan đến trẻ em và cha mẹ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, và cách tốt nhất để thực hiện việc này là đầu tư mạnh hơn vào các chương trình bảo trợ xã hội. Tài liệu “Nguồn vốn nhận thức: Đầu tư vào trẻ em để tạo nên sự phát triển bền vững” chỉ ra rằng đầu tư vào trẻ em, đặc biệt là những năm đầu đời, cũng sẽ đem lại lợi ích trong việc thực hiện nhân quyền, giảm bất bình đẳng, ngăn chặn sự tước đoạt thực hiện quyền và trì trệ kinh tế.

Có bằng chứng rõ ràng rằng khả năng nhận thức chịu ảnh hưởng lớn của hoàn cảnh thời thơ ấu, ngày từ thời điểm bắt đầu có khái niệm. Trẻ em được hưởng chế độ dinh dưỡng tốt, có sự kích thích phát triển, sống trong môi trường có sự hỗ trợ và an toàn có nhiều khả năng đạt được tiềm năng tối đa nhất. Đầu tư vào nguồn vốn nhận thức – năng lực của con người để tư duy, học tập và làm việc cùng nhau – sẽ góp phần duy trì và tăng trưởng các nền kinh tế. Ở các nền kinh tế và xã hội hiện đại, nguồn vốn nhận thức dựa trên nền tảng của sự sáng tạo và linh động và quyết định năng lực con người.

Bạo lực trẻ em là hoàn toàn sai trái, đi ngược lại luật pháp quốc tế, và là bi kịch cho mọi trẻ em bị ảnh hưởng. Ngoài việc bạo lực trẻ em là vấn đề đạo đức và cần hành động, các nghiên cứu chỉ ra rằng bạo lực trẻ em còn dẫn tới phí tổn về kinh tế và y tế công cộng. Tài liệu “Ngăn chặn bạo lực trẻ em và góp phần xây dựng những nền kinh tế vững mạnh hơn” cho thấy phần lớn trẻ em vẫn còn phải trải nghiệm bạo lực. Theo đánh giá, khoảng hơn một tỷ trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực mỗi năm, với gánh nặng lớn nhất thuộc về khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Nếm trải hoặc chứng kiến bạo lực trong thời thơ ấu có thể có tác động nguy hại lâu dài đến cá nhân. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia bằng việc tăng gánh nặng lên hệ thống y tế, tỷ lệ bạo lực, tội phạm, khuyết tật và thậm chí tử vong cao hơn. Nghiên cứu của UNICEF cho thấy rằng bạo lực trẻ em gây thiệt hại lên tới 209 tỷ USD mỗi năm ở các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, tương đương với 2 phần trăm GDP của cả khu vực cộng lại.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan và Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam
với cam kết chống bạo lực trẻ em

Tất cả các Chính phủ trong khu vực đã ký Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, trong đó các quốc gia cam kết bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại và ngược đãi. Cần hành động nhiều hơn nữa để thực hiện những cam kết này, trong đó có việc đầu tư vào các dịch vụ xã hội.  Phổ cập y tế toàn dân đem lại những lợi ích kinh tế đáng kể bên cạnh các lợi ích về y tế rõ ràng. Tuy nhiên, phổ cập y tế toàn dân hiệu quả phụ thuộc vào quyết định chính trị trong việc phân bổ tài chính hợp lý nhằm giảm những gánh nặng tài chính đối với mỗi gia đình.

Tài liệu “Tăng cường Tiến bộ trong việc Phổ cập Y tế Toàn dân cho Phụ nữ và Trẻ em” chỉ ra rằng, chăm sóc y tế toàn dân cũng đem lại các lợi ích về kinh tế, chẳng hạn như góp phần vào việc giảm tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi, điều này đóng vai trò chủ chốt trong việc nâng cao tuổi thọ trung bình của mỗi quốc gia. Cứ 10% tuổi thọ bình quân được tăng, các nền kinh tế có thể kỳ vọng tăng trưởng thêm 0.3 - 0.4 % mỗi năm.  Đầu tư vào y tế cơ bản chất lượng, trong đó có việc đảm bảo có thể dễ dàng tiếp cận được các bác sỹ gia đình và cán bộ y tế được đào tạo bài bản chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, phải là một ưu tiên cho bất kỳ chương trình phổ cập y tế toàn dân nào. Điều này là lựa chọn có ý nghĩa về mặt kinh tế.

Đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh lưu niệm

Đ.D

TAG:
Tin khác
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
Hội thảo thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng