Thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển
(LĐXH) Đó là thông điệp của Diễn đàn Trẻ em gái năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 5 - 7/10/2018 tại Hà Nội với sự tham gia của 100 trẻ em gái đại diện cho hàng triệu trẻ em gái trên cả nước .
Ngày 2/10, tại Hà Nội diễn ra họp báo giới thiệu về "Diễn đàn Trẻ em gái năm 2018" nhằm hưởng ứng ngày quốc tế Trẻ em gái (11-10).
Đây là sự kiện thường niên được Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; T.Ư Đoàn và tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10.
Với chủ đề “Thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển” diễn đàn sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 5 đến 7/10 tại Hà Nội. Tham dự diễn đàn có 100 em gái đại diện cho hàng triệu trẻ em gái trên toàn quốc tham gia đối thoại cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành liên quan, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ và đại diện lãnh đạo HĐND một số tỉnh, thành phố.
Tại diễn đàn, các đại biểu sẽ trao đổi hai chủ đề “An toàn với trẻ em gái ở nơi công cộng”, “Tảo hôn và các hệ lụy”; chia sẻ về thực trạng vấn đề tại cộng đồng; những thách thức mà các em đang phải đối mặt mỗi ngày trên con đường học tập và phát triển. Từ đó đề xuất, khuyến nghị về việc ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em gái.
Cùng với đó, đại biểu tham dự sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em và có những hành động cần thiết để giải quyết vấn đề mất an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và nạn tảo hôn tại các vùng dân tộc thiểu sổ.
Tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho biết: Diễn đàn là kênh truyền tải tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tới các cơ quan chức năng, các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; diễn đàn cũng là cơ hội để các đại biểu dân cử, cơ quan lập pháp được tiếp xúc với trẻ em, nắm bắt kịp thời những vấn đề đặt ra đối với các em để xây dựng, hoàn thiện chính sách, luật pháp. Đặc biệt là những vấn đề nghiêm trọng, xảy ra ngày càng nhiều, ví dụ như tình trạng xâm hại trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ nơi công cộng...
Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cho biết: Diễn đàn cũng tạo điều kiện cho các em gái tham gia vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật đảm bảo các nhóm quyền cơ bản của trẻ em. Đồng thời tạo cơ hội để các em gái được công nhận khả năng và truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng chung tay đảm bảo quyền và sự tham gia của trẻ em gái trong các quyết định liên quan tới sự phát triển của các em, cũng như góp phần xây dựng một thế hệ nữ lãnh đạo trẻ tương lai luôn sẵn sàng tạo nên sự thay đổi.
Tổ chức Plan International đã khởi động sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái tại Việt Nam từ năm 2016 tại Hà Nội. Đến năm 2017, sự kiện đã được mở rộng đến 7 tỉnh, thành trong cả nước. 85 em gái đã được trao quyền đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại địa phương như chủ tịch UBND xã, chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã, chủ tịch UBND huyện... trong ngày diễn ra sự kiện. Tổ chức Plan International Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ hành động để 2 triệu trẻ em gái từ 1.875 cộng đồng tại Việt Nam được học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển.
Trong khuôn khổ diễn đàn, 100 đại biểu là các trẻ em gái cũng sẽ được viếng Lăng Bác, thăm quan tòa nhà Quốc hội, Di tích Hoàng thành Thăng Long…
Trong khuôn khổ diễn đàn, 100 đại biểu là các trẻ em gái cũng sẽ được viếng Lăng Bác, thăm quan tòa nhà Quốc hội, Di tích Hoàng thành Thăng Long…
Thảo Lan
TAG: