Đại dịch COVID-19 kéo dài quá lâu và diễn biến khá phức tạp đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Hệ thống pháp luật về ASXH hiện hành tuy có dự liệu về bối cảnh này song không thể lường hết được các tình huống. Tại các tỉnh, thành phố, đời sống của người dân bị tác động ở các góc độ khác nhau, nhất là nhóm yếu thế. Chính thời điểm này, công tác xã hội (CTXH) có vai trò quan trọng trong hỗ trợ phục hồi cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đặc biệt với các nhóm yếu thế theo hướng từng bước mở rộng đối tượng, nâng mức trợ cấp, tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn…
Ninh Thuận – một tỉnh thuần nông nhưng quanh năm Ninh Thuận luôn đối mặt với khô hạn, hồ đập kênh mương thủy lợi chưa được đầu tư. Các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ bé, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Nguồn thu ngân sách không đủ chi, nguồn lực tích lũy từ dân cư thấp, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cùng với điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng của công cuộc đổi mới, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã mang lại nhiều cơ hội cho xây dựng và phát triển Ninh Thuận.
Đặc biệt, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt được sự đồng thuận cao trong triển khai tổ chức các chính sách, chương trình hành động. Hiện 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên; người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp theo quy định, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo được thực hiện tốt… tỉnh đã có nhiều nỗ lực tổ chức kết nối mạng lưới các trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, tuyên truyền sâu rộng về vai trò quan trọng của Đề án phát triển nghề CTXH, các chính sách liên quan đến đề án, các chính sách trợ giúp về nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, hướng nghiệp, dạy nghề...; Tuyên truyền giới thiệu các hoạt động và thành tích của đơn vị, cá nhân các nhà từ thiện trong lĩnh vực CTXH trong hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3) hàng năm; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức như phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã làm phóng sự, phối hợp với báo Ninh Thuận định kỳ hàng tháng có tin bài về Đề án Phát triển nghề CTXH… Tất cả các hoạt động này đều nhằm từng bước tăng cường số lượng đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH, trên tinh thần xác định quá trình thúc đẩy chuyên nghiệp hóa CTXH một cách hiệu quả sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội do mặt trái của phát triển kinh tế sinh ra.
Trong bối cảnh “bình thường mới”, tỉnh Ninh Thuận đã sớm xác định và nhất quán hành động hướng tới nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế. Ở những lúc càng khó khăn, nghề CTXH càng thể hiện rõ nét vai trò, chức năng với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của đội ngũ người làm CTXH. Do đó, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với phát triển CTXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; tiếp tục duy trì củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội; từng bước phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn. Mục tiêu tổng thể của Chương trình Phát triển CTXH giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của người dân.
Đăng Doanh