Về cơ bản Ninh Thuận có 07 cơ sở bảo trợ xã hội (3 cơ sở công lập và 4 cơ sở ngoài công lập) đang nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung 276 đối tượng và 32/65 xã, phường, thị trấn có cộng tác viên CTXH hoạt động. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH chủ yếu mới hình thành ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Song đến nay, hoạt động này được thí điểm ở các ngành y tế, giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ còn hạn chế nhưng đây được xem là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy nghề CTXH chuyên nghiệp tại địa phương.
Trước nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng lớn trong các nhóm đối tượng, đòi hỏi nhanh chóng chuyên nghiệp hóa nghề CTXH
Đặc biệt, hoạt động CTXH đã từng bước hình thành và ghi nhận những kết quả khả quan trong ngành Y tế Ninh Thuận. Thực tế cho thấy, rất nhiều các bệnh viện trên cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trung ương hay tuyến tỉnh thường xuyên trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và kỹ năng để giải quyết được tất cả nhu cầu hay bức xúc của bệnh nhân như: hướng dẫn giải thích quy trình khám, chữa bệnh, tư vấn điều trị, cung cấp thông tin về giá, chất lượng, địa điểm các loại dịch vụ, hay hơn nữa là việc hỗ trợ về tâm lý cho người bệnh. Điều này mang đến những khó khăn cho người bệnh như thiếu thông tin trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh dẫn đến sự không hài lòng của bệnh nhân đối với các cơ sở y tế… Trước thực tế này, từ tháng 4/2014, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 665/QĐ-BVT về việc thành lập Tổ Công tác xã hội trực thuộc Phòng Quản lý chất lượng, đây là một bước phát triển mới trong công tác chăm sóc, phục vụ người bệnh.
Vượt qua nhiều khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ, các cán bộ CTXH của Bệnh viện không chỉ giải quyết mâu thuẫn nảy sinh giữa cán bộ y tế với bệnh nhân mà còn mang lại sự hài hòa trong mối quan hệ giữa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, giữa bệnh nhân với nhau. Tổ CTXH đã tiếp nhận, hỗ trợ nhiều trường hợp bệnh nhân cần giúp đỡ liên quan đến vấn đề bảo hiểm y tế, chi phí điều trị, chính sách xã hội; kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ cho nhiều trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện; phối hợp với chính quyền địa phương nơi người bệnh cư trú giải quyết các thủ tục hành chính, bảo hiểm y tế để người dân được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước....
Trong năm 2017, tổ CTXH đã vận động, ủng hộ giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền vận động: 34.835.000 đồng; hỗ trợ chi phí điều trị, sinh hoạt, nhu yếu phẩm cần thiết cho 34 trường hợp với tổng chi phí 22.531.000 đồng. Ngoài ra, tổ CTXH còn hỗ trợ các trường hợp về thủ tục bảo hiểm y tế; thủ tục cấp hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh; tiếp nhận thông tin và giải quyết các trường hợp bé bị bỏ rơi tại Bệnh viện; tham vấn các trường hợp người bệnh nội trú và người nhà người bệnh; hướng dẫn và chuyển giao hồ sơ tham gia chương trình phẫu thuật miễn phí Quỹ Thiện Tâm.
Hoạt động CTXH rất cần thiết trong ngành Y tế (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, trong năm qua, tổ CTXH đã tổ chức thực hiện được 02 chương trình, gây dấu ấn đối với các bệnh nhân, giúp người bệnh và thân nhân người bệnh cảm thấy hài lòng, đó là chương trình “Cắt tóc – gội đầu” cho bệnh nhân tại khoa Nội Tim mạch và đơn vị Nội Thần kinh, phục vụ cho 111 người bệnh; chương trình “Trao âm nhạc – nhận nụ cười” phối hợp thực hiện cùng Trung tâm văn hóa Tỉnh được tổ chức hàng tháng, với các tiết mục ca, múa, hát, xiếc, ảo thuật đến từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp.
BS.CKII Thái Phương Phiên Trưởng phòng Quản lý Chất lượng - Tổ trưởng Tổ Công tác Xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cho biết “Bệnh viện ghi nhận những đóng góp của tổ CTXH trong việc chăm sóc về mặt tinh thần, góp phần hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Thêm vào đó, trong năm 2018, tổ CTXH cũng nên đẩy mạnh thêm nhiều hoạt động thiết thực để CTXH của bệnh viện sẽ có thêm nhiều khởi sắc”.
Tới thời điểm này, có thể thấy, CTXH không chỉ hỗ trợ nhóm người yếu thế mà còn cần thì cho mọi đối tượng khi mà xã hội ngày càng phát triển, áp lực cuộc sống lên mỗi cá nhân ngày càng nặng gánh. Việc cung cấp các dịch vụ CTXH kịp thời đang rất cần thiết để phòng ngừa, chăm sóc và hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương, phục hồi và chăm sóc tâm lý xã hội đối với người lạm dụng chất ma túy, người hành nghề mại dâm, người nhiễm HIV, người vô gia cư, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, bạo lực và lạm dụng, người vi phạm pháp luật. CTXH còn có thể hữu ích đối với những nhóm người khác, trong hoàn cảnh khủng hoảng như ở bệnh viện, tòa án, trường học, cơ sở tập trung và cộng đồng và có vai trò trong nghiên cứu xã hội và xây dựng chính sách xã hội. Do đó, tỉnh Ninh Thuận xác định sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí của nghề CTXH và cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, tiến tới phấn đấu hình thành được một hệ thống chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ CTXH cho người dân, và hình thành được đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên chuyên nghiệp./.
Trần Huyền