Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Thúc đẩy hoạt động xúc tiến xuất khẩu thông qua môi trường số
06:03 PM 05/04/2023
(LĐXH)- Ngày 4/4/2023, tại trụ sở Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin & chuyển đổi số trong XTTM, Tổ chức chuyên gia cao cấp Hà Lan (PUM) và Sàn Thương mại điện tử Misslinh (Misslinh) chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Mục đích ký kết MOU là thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu và triển khai hiệu quả giúp hai Bên thiết lập cơ chế triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia hiệu quả các hoạt động xúc tiến xuất khẩu thông qua môi trường số, kết nối, giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, góp phần đưa sản phẩm, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế
Nhờ vào chính sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực, trở thành 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới từ năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2020 đạt trung bình 8-10%/năm. Riêng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 đạt mốc kỷ lục 732.5 tỷ USD, tăng 9.5% so với năm 2021.

Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Tổ chức chuyên gia cao cấp Hà Lan

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế. Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), trong đó có 15 Hiệp định đã và đang thực hiện, 02 Hiệp định đang trong quá trình hoàn tất đàm phán. Các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đều phát huy được hiệu quả, đóng góp rõ nét trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế năng động được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Thực tế hiện nay vẫn đòi hỏi các hoạt động hỗ trợ thương mại, xúc tiến xuất khẩu cần phải chuyển hướng, nâng cao hiệu quả để bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển ngành Công Thương. Với mục tiêu thúc đẩy và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực XTTM đặc biệt là trong lĩnh vực xúc tiến xuất khẩu trên môi trường số, Cục XTTM mong muốn tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số trên thế giới nhằm phối hợp tổ chức đa dạng và hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam. 

Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và

chuyển đổi số trong XTTM và Sàn giao dịch điện tử MissLinh

Tổ chức chuyên gia cao cấp Hà Lan (PUM)  (tiếng Hà Lan là Programma Uitzending Managers), do Hiệp hội Giới chủ và Công nghiệp Hà Lan thành lập năm 1978, là tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ, cung cấp chuyên gia, tư vấn không thu phí. PUM gồm hơn 3200 chuyên gia Hà Lan, 1.700 tình nguyện viên tại 150 cơ quan đại diện ở hơn 30 nước. Nội dung hỗ trợ và mục tiêu của PUM bắt nguồn từ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp Quốc và các ưu tiên hợp tác chính thức của Hà Lan. Vì thế, PUM được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ tài chính nhằm giúp thúc đẩy tinh thần kinh doanh và tăng trưởng kinh tế bền vững ở các nước đang phát triển và thị trường mới nổi. Trong hơn 15 năm qua, PUM đã cung cấp tư vấn chuyên gia và kết nối đối tác Hà Lan cho hơn 8.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cơ quan/tổ chức hiệp hội ngành nghề, trường đào tạo nghề, vườn ươm doanh nghiệp Việt nam.
Việc ký kết MOU giữa Cục XTTM và PUM có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam về xúc tiến thương mại, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế chính như: An ninh lương thực (nông nghiệp và trồng trọt, chăn nuôi gia súc, ong, cá, thức ăn và thức uống); Y tế và môi trường (chăm sóc sức khỏe, năng lượng, nước, rác thải, môi trường/CSR); Công nghiệp và thương mại (hóa chất và nguyên vật liệu tổng hợp, dệt và da, xây dựng và công trình, công nghiệp kim loại); Dịch vụ (du lịch và khách sạn, giáo dục và đào tạo dạy nghề, tư vấn doanh nghiệp).
Sàn Thương mại điện tử Misslinh (Misslinh) là một trong những nền tảng thương mại điện tử trực tuyến B2B tại Hà Lan với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu sản phẩm Việt đặc biệt là sản phẩm nông sản sang Châu Âu. Nền tảng này tập trung vào những yếu tố hỗ trợ cho thương mại bền vững như: (a) Tính bền vững, cung cấp các sản phẩm tiềm năng  từ các nhà cung cấp Việt Nam có trách nhiệm với xã hội và đóng vai trò tiên phong cho sự bền vững; (b) sự bình đẳng, các doanh nghiệp đang kinh doanh sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; (c) tính minh bạch, Miss Linh hướng đến sự minh bạch về thông tin liên quan đến mua-bán tại đây./.
Thảo Lan

 

TAG: xúc tiến xuất khẩu môi trường số Tổ chức chuyên gia cao cấp Hà Lan Công ty Vietnam Food Europe BV
Tin khác
Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững
Chiêm tinh tài chính - Lối rẽ từ khác biệt đến thành công của Mr Phú Hưng
Địa phương và doanh nghiệp phối hợp tái sinh rừng, hấp thụ Carbon hướng đến Net Zero
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hội chợ Làng nghề thành phố Hà Nội lần thứ 20- năm 2024
VSMCamp & CSMOSummit 2024 định hướng xây dựng chiến lược  sales và marketing trong xu hướng phát triển bền vững
Activax triển khai chiến dịch Mở khoản đầu tư Mở rộng yêu thương
Sự kiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường
Chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt”: Nestlé Việt Nam tri ân người nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên
Đột phá công nghệ và giải pháp chất lượng của Intech Group tại triển lãm giao thương quốc tế ngành chế tạo Hà Nội 2024