Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thừa Thiên Huế: Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp
11:09 AM 29/11/2022
(LĐXH) - Xác định chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm tạm thời, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp kết nối việc làm, đảm bảo quyền lợi và quan tâm chăm lo để người lao động ổn định cuộc sống.
Hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới
Theo báo cáo của Liên đoàn lao động tỉnh Thừa Thiên Huế, thời điểm cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất - kinh doanh do thiếu đơn hàng phải cắt giảm lao động, việc làm, tập trung ở các doanh nghiệp dệt may và chế biến gỗ. Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 2.112 người, trong đó có 664 lao động phải giảm giờ làm và chấm dứt hợp đồng lao động là 1.448 trường hợp.
Học viên tham gia lớp cắt may
Trước tình hình đó, LĐLĐ tỉnh đã chủ động kết nối, hỗ trợ tìm việc làm mới cho hơn 1.000 lao động, đó là giới thiệu chuyển sang ký kết hợp đồng lao động với các đơn vị khác trong các KCN, giới thiệu làm thời vụ tại các công ty, cơ sở sản xuất phục vụ thị trường tết. Đồng thời, hướng dẫn giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc, đặc biệt về tiền lương, phúc lợi xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
LĐLĐ tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết chính sách cho người lao động. Đồng thời, tăng cường nắm thông tin thị trường lao động, cung ứng lao động của các đơn vị để giải quyết việc làm sớm nhất, phù hợp nhất với người lao động lúc khó khăn.
Giai đoạn 2015 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 56.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN. Trong đó, có trên 55.000 người có quyết định hưởng BHTN; 55.000 người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề và có hơn 5.000 người được giới thiệu việc làm, hơn 2.360 người được hỗ trợ học nghề. Riêng trong năm 2022, toàn tỉnh có 8.719 lượt người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (tăng 16,1% so với năm 2021). Trong đó, có 8.388 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 141.256 triệu đồng; Có 578 lượt người có quyết định hỗ trợ học nghề với số tiền chi hỗ trợ học nghề là 2.926 triệu đồng; 9.413 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm
Học viên tham gia lớp dạy nghề pha chế
Đồng hành cùng người lao động
Để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, các cấp, ngành của tỉnh (trong đó phải kể đến Sở lao động – Thương binh và Xã hội) đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động thất nghiệp, đồng thời tăng cường kết nối việc làm, giúp người lao động sớm tìm được việc làm mới. Với vai trò cầu nối của người lao động và doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đảm bảo quyền lợi của người lao động, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng tư vấn ngay từ khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp tuyên truyền chính sách BHTN và hỗ trợ người lao động trên trên đài phát thanh TRT qua sóng FM, thông qua tờ rơi, tờ gấp, qua các Hội nghị, qua trang thông tin điện tử của Sở, qua Facebook và Website việc làm của Trung tâm. Đồng thời tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi tại các DN, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại các huyện, thành phố trong tỉnh, giúp người lao động tiếp cận, nắm bắt kịp thời chính sách BHTN và chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Với mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, Trung tâm luôn quan tâm ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ tìm việc làm, ổn định việc làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững. Việc giải quyết chính sách BHTN được cơ quan chức năng thực hiện theo phương châm 3 đúng: “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”. Là đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết chế độ BHTN cho người lao động, Trung tâm DVVL tỉnh còn tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú và luôn cải tiến quy trình tư vấn, nên số người được tư vấn và chất lượng tư vấn ngày càng được nâng cao, giúp người lao động tìm kiếm được việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHTN đến người lao động, trung tâm luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội nhằm phục vụ hiệu quả quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ và giải quyết các chế độ về BHTN; phối hợp theo dõi đối tượng hưởng nhằm phát hiện người lao động có việc làm, xác minh, rà soát, liên hệ để tư vấn và hướng dẫn người lao động đến cung cấp hồ sơ có liên quan về việc có việc làm, phối hợp với các đơn vị, DN để có căn cứ xử lý, ra quyết định chấm dứt và thu hồi tiền hưởng các chế độ BHTN sai quy định.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn gặp một số khó khăn. Vẫn còn một số đơn vị sử dụng lao động không chấp hành đúng các quy định của pháp luật và đóng BHTN chậm so với quy định, không cung cấp hợp đồng lao động kịp thời cho người lao động..., dẫn đến người lao động hưởng các chế độ BHTN không đúng quy định phải thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp, hoặc không được hưởng quyền lợi bảo lưu số tháng đóng BHTN theo quy định. Một số lao động chưa ý thức về trách nhiệm của mình trong khi đã có việc làm mới hoặc không đủ điều kiện hưởng vẫn làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc không thông báo về việc có việc làm mới trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nhiều hoạt động tư vấn về việc làm, học nghề được triển khai có hiệu quả
Có thể nói, BHTN không chỉ có vai trò là “phao cứu sinh” của người lao động khi họ gặp khó khăn, mà còn là “công cụ” quản trị thị trường lao động. Do đó, việc xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp gắn liền, đồng bộ với giải pháp bảo đảm việc làm bền vững đang là yêu cầu bức thiết, cấp bách. Vì vậy, ngoài ý thức, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cần sớm kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu với cơ quan Bảo hiểm xã hội để thuận tiện trong việc thực hiện giải quyết chế độ BHTN, theo dõi đối tượng hưởng, ngăn chặn kịp thời về việc lạm dụng chính sách BHTN. Đồng thời cần tìm kiếm, tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động tham gia thị trường lao động, góp phần đảm bảo hiệu suất lao động cho xã hội, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Khánh Quyên
 
 
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo