Thừa Thiên Huế: Đề xuất giải pháp cải thiện công tác định hướng giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH) - Ngày 23/11, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo Đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp cải thiện công tác định hướng giáo dục nghề nghiệp của học sinh trung học.
Hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ngành cùng đại diện 36 đơn vị giáo dục nghề nghiệp, các trường cao đẳng, THCS và THPT trên địa bàn.
Hội thảo diễn ra với mục đích nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác định hướng giáo dục nghề nghiệp của học sinh trung học hiện nay và phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tiếp theo cho học sinh trung học trên địa bàn tỉnh; Thu nhận các ý kiến của chuyên gia về giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế; Đề xuất một số giải pháp và chương trình hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động định hướng giáo dục nghề nghiệp của học sinh trung học.
Trong những năm qua, việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tại các trường THPT luôn có sự quan tâm của các cấp quản lý, các ban ngành, đoàn thể, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Bên cạnh việc phân công những cán bộ giáo viên có kinh nghiệm về công tác hướng nghiệp để giảng dạy và định hướng cho các em. Các đơn vị cũng đã chủ động mời các nhà khoa học, kinh tế, các diễn giả (chuyên gia), các cựu học sinh thành đạt về nói chuyện nghề nghiệp và định hướng tương lai cho các em. Các buổi nói chuyện đã cung cấp cho các em học sinh nhiều kiến thức mới về ngành nghề cũng như sự tự đánh giá năng lực bản thân khi đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề cho bản thân.
Các trường đại học cũng có nhiều hoạt động phối hợp với các trường, giúp học sinh tìm hiểu về các ngành nghề trong tương lai và các ngành nghề có xu hướng phát triển sắp đến, cụ thể như giúp học sinh đến trường đại học để trải nghiệm một ngày là sinh viên, tham quan, tìm hiểu thực tế việc học tập sau khi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, các nhà trường cũng có những kế hoạch ngoại khoá để đưa học sinh đến tham quan thực tế về ngành nghề tại địa phương như du lịch, nông nghiệp, thương mại… và được học sinh, phụ huynh hưởng ứng tích cực.
Đại diện Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, toàn tỉnh hiện có 36 cơ sở đào tạo nghề nghiệp; trong đó, có 9 trường Cao đẳng, 4 trường Trung cấp, 3 Trung tâm GDNN, 9 trung tâm GDN với 200 nghề được đào tạo tại các Cơ sở GDNN. Trong đó, đơn vị đã tiến hành khảo sát 200 học viên của 20/36 đơn vị thuộc cơ sở GDNN. Kết quả cho thấy, có 73% số phiếu đánh giá mức độ cần thiết cần có trong đào tạo của các cơ sở GDNN để hù hợp với yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp; 27% số phiếu cho thấy ở mức độ bình thường và 1% còn lại là không cần thiết. Đơn vị này cũng đưa ra một số giải pháp về giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển Kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó nhấn mạnh về một số giải pháp chính như: Sắp xếp quy hoạch mạng lưới các các cơ sở GDNN trên địa bàn theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá và phân tầng hoá; Mở rộng chương trình đào tạo, tiêu chuẩn ngành, nghề tại các cơ sở đào tạo nghề; Sự liên kết giữa Nhà nước – Nhà trường và DN nhằm tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững. Cùng với đó là phát triển KHCN, liên kết vùng và hợp tác quốc tế trong GDNN; xã hội hoá trong GDNN; hợp tác phát triển DN đào tạo tại chỗ…
Tại hội thảo, các đại biểu cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, trường học cùng trao đổi, thảo luận về công tác định hướng giáo dục nghề nghiệp của học sinh trung học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và định hướng trong thời gian tới của ngành giáo dục; công tác tổ chức giáo dục nghề nghiệp hậu COVID -19 và định hướng cho giai đoạn tiếp theo và thực trạng định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh trung học tại cơ sở và một số đề xuất thúc đẩy phát triển hoạt động định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp và chương trình hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động định hướng giáo dục nghề nghiệp của học sinh trung học.
Thục Quyên