An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Thừa Thiên Huế chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động
10:30 AM 15/05/2020
(LĐXH) – Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 3.569 doanh nghiệp với trên 97 nghìn lao động. Trong đó, có 1.894 công ty TNHH, 1.031 doanh nghiệp tư nhân, 573 công ty cổ phần, số còn lại thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động đang có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh và tai nạn lao động.
Năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 43 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) với 43 người bị TNLĐ; trong đó, có 6 vụ chết người, 1 vụ bị thương nặng và 19 lao động nữ bị TNLĐ. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNLĐ chết người; trong đó một vụ do thi công xây dựng công trình không đảm bảo an toàn và vụ khác do lật xe khi vận chuyển thiết bị phục vụ thi công đường dây điện. Nhìn chung, các hoạt động thi công xây dựng, công nghiệp vẫn tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro cao về mất ATVSLĐ. Trong đó, nguồn lao động ngành xây dựng đa số là lao động nông nhàn, thời vụ, rất ít được đào tạo nghề nên ý thức chấp hành quy định ATVSLĐ không cao, trong khi công tác đào tạo nghề cho công nhân xây dựng, công nghiệp chế biến... hiện chưa đáp ứng được số lượng và chất lượng so với nhu cầu thực tế.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế
Mặt khác, một số chủ sử dụng lao động như nhà thầu thi công xây dựng, chủ mỏ khai khoáng, chế tạo... chưa thật sự quan tâm, chủ động thực hiện công tác ATVSLĐ, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Mức độ xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATVSLĐ còn thấp, chưa đủ sức răn đe với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Chi phí cho công tác ATVSLĐ trong thi công xây dựng, công nghiệp chế biến còn hạn chế.
Theo đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, dù công tác giám sát hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ đã được các cấp công đoàn quan tâm. Tuy nhiên, đến nay nhận thức tầm quan trọng công tác ATVSLĐ ở một số đơn vị quản lý lao động chưa cao. Đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác ATVSLĐ từ tỉnh đến cơ sở, dù có cán bộ chuyên trách, nhưng do phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau và chưa được đào tạo bồi dưỡng bài bản nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh đó, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động và người sử dụng lao động vẫn còn thấp; tình trạng vi phạm nội quy quy trình làm việc an toàn rất phổ biến… dẫn đến nguy cơ gia tăng TNLĐ, bệnh nghề nghiệp vẫn còn tiềm ẩn.
Còn theo Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng năm 2019, chỉ có 124/3.569 cơ sở có báo cáo về tình hình lao động nói chung và công tác ATVSLĐ nói riêng. Ngoài ra, số lao động không có giao kết hợp đồng chưa được quản lý, thông tin rất lớn.
Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức diễu hành hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2019
Nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp; nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ góp phần xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch 39/KH-UBND về thực hiện Chương trình ATVSLĐ năm 2020.
Theo đó, mục tiêu mà tỉnh đặt ra là giảm 5% tần suất TNLĐ, nhất là các vụ TNLĐ nghiêm trọng chết người, đảm bảo 100% vụ tai nạn lao động xảy ra được điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và tăng hơn 80% người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ; Phấn đấu có thêm 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả cải thiện điều kiện lao động và hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động.
Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hôi tỉnh, để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, các ban ngành, đơn vị chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra về công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy, nổ. Trong đó, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, như xây dựng, hàn cắt kim loại, nguy cơ cháy, nổ... Các đơn vị, doanh nghiệp triển khai theo định kỳ hoặc đột xuất các lớp tập huấn, huấn luyện, đảm bảo ATVSLĐ, phòng chống cháy, nổ cho người làm công tác ATVSLĐ, người lao động làm các nghề, công việc có nguy cơ mất ATVSLĐ cao...
Cùng với đó, tỉnh sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xây dựng và áp dụng hiệu quả Hệ thống quản lý ATVSLĐ phù hợp, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tiến tới thực hiện tốt công tác ATVSLĐ và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ gắn với việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh. Củng cố tổ chức bộ máy làm công tác ATVSLĐ, y tế cơ sở, mạng lưới an toàn vệ sinh viên, xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ đủ về số lượng, mạnh về năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nam Khánh

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Huyện Trà Cú (Trà Vinh) tổ chức thu thập thông tin thị trường lao động
Thành phố Hà Giang tạo điều kiện tối đa để lao động hộ nghèo tiếp cận việc làm bền vững
Đăk Tô tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
TP.HCM: Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI
Nam Định triển khai thực hiện Chương trình Việc làm tốt hơn
Nam Định: Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng): Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ việc làm bền vững, thị trường lao động
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo