Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thừa Thiên Huế có gần 2.000 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong Quý I/2020
09:09 AM 30/04/2020
(LĐXH) – Trong quý I/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiếp nhận gần 2.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Trong những tháng đầu năm 2020, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến tạm ngừng kinh doanh, giải thể. Do đó, Thừa Thiên Huế có rất nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động tạm nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Riêng đối với lao động có ký kết hợp đồng lao động, theo báo cáo của 131 doanh nghiệp, tính đến ngày 14/4/2020, trên địa bàn tỉnh có 7.383 lao động cho tạm nghỉ việc; 1.558 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Đối với lao động không có quan hệ lao động, qua rà soát, thống kê của các địa phương, có trên 150.000 người bị mất việc làm, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. Ngoài ra, do số người mất việc gia tăng nên số người đề nghị giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp tăng. Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 1.776 người với tổng số tiền 25,921 tỷ đồng, số người đề nghị được hỗ trợ học nghề cho 55 người với số tiền 210 triệu đồng. Trong đó, số lượng lao động nghỉ việc nộp hồ sơ do ảnh hưởng của dịch Covid 19 là 737 người, chiếm 25%.
Số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 4/2020 tăng vọt
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: “Trong 4 tháng đầu năm 2020, số trường hợp tới Trung tâm để làm thủ tục đề nghị hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh. Chỉ tính riêng quý I/2020, toàn tỉnh có 1.923 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 3, tỉnh đã tiếp nhận 1.200 hồ sơ, cao hơn 1,5 lần so với tháng 2. Riêng trong tháng 4/2020, số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Thừa Thiên – Huế tăng gấp hai lần so với cùng kỳ tháng 3/2020, đạt đến con số 1.048 vào ngày 17/4”.
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn lao động nghỉ việc ở độ tuổi dưới 35, chiếm 63,1%; lao động không có bằng cấp chứng chỉ nghề, chiếm 50,3%; các lao động thuộc các lĩnh vực du lịch, vận tải, dịch vụ lưu trú, công nghiệp chế biến, chế tạo, giáo dục và đào tạo… Nguyên nhân khiến những đối tượng này phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là do doanh nghiệp giải thể, thay đổi cơ cấu tổ chức, thu hẹp phạm vi sản xuất vì tác động của đại dịch Covid-19.
Do đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên – Huế đã ra quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 1.268 trường hợp với tổng số tiền hơn 19,176 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động khi tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho 2.834 lượt người đến nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ học nghề cho 55 trường hợp. Những biện pháp này không chỉ giảm bớt nỗi vất vả của những đối tượng bị mất việc đột ngột mà còn giúp họ nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động và ổn định đời sống.
Người lao động đăng ký tư vấn về việc làm tại 12 Phan Chu Trinh
Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, nhằm hạn chế tập trung đông người làm tăng nguy cơ gây lây lan dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên – Huế đã tiến hành nhiều biện pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ngoài việc yêu cầu người lao động đeo khẩu trang, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn, giãn cách khi đến giao dịch trực tiếp tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, Trung tâm cũng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và hồ sơ nộp qua đường bưu điện. Những hồ sơ đủ giấy tờ và đáp ứng các quy định được đảm bảo giải quyết nhanh nhất có thể.
Bên cạnh 1.268 trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm vẫn còn hơn 600 hồ sơ của người lao động Thừa Thiên – Huế đã nộp trong quý I/2020 nhưng không được thông qua. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đóng tiền Bảo hiểm xã hội, nên những lao động thuộc các doanh nghiệp đó khi bị mất việc không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh những đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chậm nộp tiền cho quỹ Bảo hiểm xã hội, vẫn có những doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm của người lao động mà không chuyển tới quỹ Bảo hiểm xã hội, dẫn đến nợ đọng trong thời gian dài. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhất là những trường hợp bị ốm đau, tai nạn, nghỉ thai sản hoặc mất việc làm như tình trạng của hàng nghìn lao động Thừa Thiên – Huế hiện nay.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Thông, trong thời gian tới, cùng với việc cố gắng khắc phục những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Trung tâm sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát về việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp ở tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ tối đa người lao động trong giai đoạn này.
Hà Giang
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng