An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thừa Thiên Huế: Hiệu quả việc thực hiện chính sách BHYT tại các huyện miền núi
08:58 AM 10/03/2022
(LĐXH) - Theo Quyết định 861/QĐ-Ttg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thừa Thiên Huế có hơn 7.000 người không còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT). Trước thực trạng đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) các huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, từng bước tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện chính sách BHYT.
Nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội
Trước thực trạng người dân không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi khi đi khám chữa bệnh, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo BHXH cấp huyện khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương các cấp rà soát, phân loại các nhóm đối tượng để kịp thời hỗ trợ cho những người thực sự khó khăn.
Ông  Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, hiện trên địa bàn huyện có hơn 3.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo chiếm 40%, hộ cận nghèo chiếm 10%. Những người còn lại không còn được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT nữa, mặc dù người dân đã ý thức được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT nhưng nhiều người do khó khăn thực sự mà chưa thể tham gia, dẫn đến việc có nguy cơ tái nghèo nếu bị ốm đau.
Trong thực tế, khi các xã đã đạt đến sự phát triển nhất định thì sự điều chỉnh một số xã từ vùng III, vùng II chuyển sang vùng I để dành nguồn lực cho các xã khó khăn hơn là cần thiết. Điều này dẫn đến nhiều người dân sẽ không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT. Để tránh tâm lý hoang mang do không hiểu rõ chính sách, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện chủ động phối hợp với UBND các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền ở các xã ra khỏi danh sách khu vực I, II, III; vận động, hướng dẫn cụ thể cho người dân tham gia BHYT hộ gia đình, đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ cho những người dân còn khó khăn. Tính đến tháng 1/2022, BHXH tỉnh cùng với doanh nghiệp đã tặng hơn 1.300 thẻ BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhóm không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT sau khi triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; người chưa có thẻ BHYT thuộc diện “thoát nghèo”; người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác;….
Ảnh minh hoạ
Gia đình chị H. T. O ở thôn Tà Roi , Xã A Ngo , Huyện A Lưới không có đất canh tác nên hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn mới có tiền nuôi con. “Gia đình đông người lại khó khăn nên tôi rất sợ bị bệnh. Rất muốn tham gia BHYT nhưng hiện tại không đủ tiền nên đành phải chịu. Cũng may, được tặng thẻ BHYT nên gia đình tôi an tâm phần nào, giúp cả nhà vượt qua được những khó khăn trước mắt”, chị O chia sẻ.
Tạo sự đồng thuận trong nhân dân
Năm 2021, cán bộ làm công tác BHXH các huyện Nam Đông và A Lưới đã tích cực đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình rà soát, tuyên truyền, vận động người dân chịu tác động của Quyết định 861 tiếp tục tham gia BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Tại các khu vực thay đổi chính sách BHYT, nhiều hoạt động tuyên truyền đã được tổ chức nhằm kịp thời thông tin, đảm bảo quyền lợi, nhất là lợi ích của việc tham gia BHYT liên tục 5 năm và ý nghĩa của BHYT trong khám, chữa bệnh… Từ đó khuyến khích người dân tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình, học sinh, hộ cận nghèo. Nhờ nỗ lực của cơ quan BHXH và các tổ chức đoàn thể, chính quyền, người dân sinh sống ở các huyện miền núi ngày càng hiểu rõ về chính sách BHYT.
Nhờ tích cực phối hợp với UBND các xã triển khai công tác tuyên truyền, vận động nên số người tham gia BHYT tính đến cuối năm 2021 là rất khả quan. 06 xã không còn được thụ hưởng chính sách BHYT theo Quyết định số 861 của hai huyện Nam Đông và A Lưới, số người tham gia BHYT đạt độ bao phủ hầu hết từ trên 83% đến trên 96% tỷ lệ dân số.
Chị P.T.T. M là người dân tộc thiểu số ở xã Thượng Quảng chia sẻ: “Các chị ở xã đã giải thích rất rõ ràng với chúng tôi về những quy định mới cũng như những khó khăn nếu như không có thẻ BHYT. Vì vậy, Nhà nước cho được đến đâu thì mừng đến đó; hết hỗ trợ thì tôi sẽ tự tham gia”.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, công việc của người dân vẫn còn gặp những khó khăn nhất định điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của họ. Vẫn còn những hộ gia đình không có khả năng tham gia đóng mặc dù đã hiểu về lợi ích khi tham gia BHYT. Vì vậy, bên cạnh kêu gọi hỗ trợ đóng BHYT, BHXH các huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHYT; tập trung đẩy mạnh khai thác người tham gia BHYT hộ gia đình, đặc biệt là hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình để người dân hiểu, đồng thuận với các chính sách của Đảng, Nhà nước và tham gia BHYT, bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh…
K.Quyên

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công