Thừa Thiên Huế: Chạy đua với thời gian tìm người mất tích tại Thủy điện Rào Trăng
(LĐXH) – Tiếp tục hành trình tìm kiếm đoàn cứu hộ hiện đang mất tích ở Thủy điện Rào Trăng, tỉnh Thừa Thiên Huế, phía quân đội đã huy động gần 1.000 người cùng hàng trăm phương tiện tiếp tục tìm kiếm những người mất tích ở trạm kiểm lâm 67 và mở đường vào thủy điện Rào Trăng 3.
Rạng sáng ngày 15/10, ba ôtô tải chở hàng chục cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn công binh 414 theo đường 71 vào trạm kiểm lâm 67, nơi Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó tư lệnh Quân khu 4 và đoàn cứu hộ gặp nạn. Đây là lực lượng chủ lực tìm kiếm những người mất tích ở trạm kiểm lâm. Với tinh thần phải tranh thủ từng phút, từng giờ để chạy đua với thời gian và mưa bão, công tác cứu nạn được các lực lượng tiếp tục triển khai.
Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, thời tiết trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khá thuận lợi cho các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai công tác giải cứu người đang bị mắc kẹt tại nhà máy thủy điện và tìm kiếm người mất tích
Tính đến sáng 15/10, vẫn còn gần 30 người mất tích, không liên lạc được, trong đó, có 16 người tai Thủy điện Rào Trăng và 13 người trong đoàn cứu hộ.
Trực tiếp chỉ huy các lực lượng cứu hộ tại vị trí xảy ra sự cố, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 và Thiếu tướng Nguyễn Đức Hóa, Phó chính ủy Quân khu 4 đã tổ chức kiểm tra toàn bộ khu vực xảy ra sự cố. Tại hiện trường, một lượng lớn đất đá lên đến hàng trăm nghìn mét khối bị kéo trượt xuống phía đường quốc lộ… Để xác định chính xác vị trí chiếc lán kiểm Lâm, đơn vị phải nhờ cả đến người địa phương để xác định.
Lãnh đạo Quân khu 4 trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ
Ngay trong sáng nay, lực lượng cứu hộ tiến hành song song 2 nhiệm vụ: Huy động gần 10 máy xúc các loại để di chuyển lượng đất đá, cây cối, rác rừng phục vụ hoạt động tìm kiếm, bên cạnh đó, một lực lượng xác định vị trí an toàn để dựng lều bạt dã ngoại, đảm bảo cho lực lượng tìm kiếm ăn, ở ngay tại khu vực tìm kiếm. Quân chủng Phòng không-Không quân cũng đã tổ chức các chuyến bay vừa tổ chức thực hiện trinh sát địa bàn, vừa tổ chức thả hàng cứu trợ đối với những nạn nhân đang còn bị chia cắt cô lập, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã huy động chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm các nạn nhân.
Công tác cứu nạn đưuọc tiến hành khẩn trương
Quán triệt nhiệm vụ cho các lực lượng, Thiếu tướng Hà Thọ Bình yêu cầu: Tất cả các lực lượng phải tranh thủ từng phút, từng giờ, chạy đua với thời gian tổ chức tham gia tìm kiếm, cứu nạn một cách hiệu quả nhất, bởi hiện nay cơn bão số 7 đang áp sát vào đất liền, hoàn lưu của bão sẽ gây mưa trên diện rộng. Nếu mưa xuống hoạt động tìm kiếm sẽ vô cùng khó khăn vất vả. Tuy nhiên quá trình thực hiện nhiệm vụ vấn đề an toàn phải đặt lên hàng đầu. Tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Dù khó khăn đến đâu cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Trước đó, vào ngày 14/10, trong quá trình tiếp tế lương thực từ 2 trực thăng thuộc Sư đoàn 372, đã có rất nhiều điểm sạt lở, có những đoạn dài hàng chục cây số, tất cả nhà cửa, công trình hầu như đổ sụp. Ngoài ra, còn nhìn thấy nhiều nhóm người, trong đó có nhóm nhiều nhất là ba người. Những nhóm này đều đã được tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết.
Trưa 14/10, đoàn cứu hộ tiếp cận hiện trường sạt lở nơi 13 người thuộc đoàn cứu hộ bị vùi lấp. Chiều 14/10, đoàn cứu hộ tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4, cứu 19 người, trong đó có 2 chuyên gia người Ấn Độ ra ngoài an toàn; đồng thời cho di chuyển 1 thi thể đầu tiên.
Lực lượng quân đội đóng vai trò nòng cốt trong quá trình tìm kiếm cứu nạn
Tối 14.10, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn bằng đường bộ đã tạm rút quân về trung tâm để bảo toàn lực lượng. Trước đó, sau khi huy động đông đảo phương tiện, lực lượng để thông tuyến do bị sạt lở tắc đường, 12 giờ 30 ngày 14.10, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tiếp cận được hiện trường điểm sạt lở tại Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67 - nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến 21 cán bộ gặp nạn, trong đó 8 người chạy thoát nạn, 13 người còn mất tích.
Được biết, Trong số 13 cán bộ được cho là mất tích trong vụ sạt lở đất thuộc đoàn công tác cứu nạn cứu hộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 để giải cứu công nhân mắc kẹt do sạt lở đất, có một phóng viên công tác tại cơ quan thông tin điện tử của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là P.V.H, phóng viên duy nhất đi theo đoàn cứu nạn cứu hộ.
Khu vực bị sạt lở
Tính đến cuối ngày 14/10, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy độgn 983 người, 189 phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn người mất tích. Trong đó, quân đội là lực lượng nòng cốt với 666 cán bộ, chiến sĩ; 119 phương tiện và chó nghiệp vụ. Trong ngày, lực lượng tìm kiếm cứu đã tiến hành thông đường và tiếp cận Trạm Kiểm lâm 67, nơi 13 người trong đoàn cứu hộ bị sạt lở, vùi lấp mất tích nhưng công tác tìm kiếm vẫn chưa có kết quả
Tất cả đều hy vọng, mong có một phép màu với những người lính trong đoàn cứu hộ và công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 đang mất tích.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: