Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thừa Thiên Huế: Chăm lo cho người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin
11:26 AM 10/08/2021
(LĐXH) - Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thừa Thiên Huế là một trong những đia phương bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học, đặc biệt là huyện A Lưới (sân bay A So) đã phải hứng chịu hơn 432.810 gallon chất khai quang với khối lượng dioxin ước tính khoảng 11kg. Ngoài ra còn có cáv huyện Nam Đông, Hương Thủy, Phú Lộc, Hương Trà…có 15.820 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin (trực tiếp 7.768 người; gián tiếp 8.052 người).

Theo thống kê, toàn tỉnh có 15.820 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin (trực tiếp 7.768 người; gián tiếp 8.052 người). Thời gian qua, công tác giải quyết chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH, chăm lo thực hiện chính sách, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, kịp thời. Đến nay, có 3.988 người đã được giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng; trong đó, người hoạt động kháng chiến là 2.896 người, con đẻ của người tham gia kháng chiến là 1.092 người. Hiện, số người còn sống đang hưởng trợ cấp hàng tháng (đến thời điểm tháng 3/2021) là 2.273 người (trực tiếp 1.463 người; gián tiếp 810 người).

Bộ đội Biên phòng đến thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: VÕ TIẾN 

Công tác giám định bệnh tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH và điều chỉnh trợ cấp ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH được thực hiện đảm bảo theo quy định thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành LĐTB&XH với các cơ quan khác như quân sự, y tế, công an, các tổ chức chính trị, xã hội...

Sở LĐTB&XH đã phối hợp với cơ quan quân sự trong việc xác nhận phiên hiệu, ký hiệu của đơn vị nhằm kiểm tra cá nhân có tham gia tại thời điểm và vùng mà Mỹ sử dụng CĐHH theo quy định hay không. Sở LĐTB&XH còn phối hợp Sở Y tế, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh thực hiện giám định và xác nhận đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ; đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội trong việc tuyên truyền, rà soát người có công nói chung và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH nói riêng.

Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, Sở LĐTB&XH đã quyết định thực hiện chế độ ưu đãi đối với 346 học sinh, sinh viên là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang theo học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Song song đó, người khuyết tật nói chung và nạn nhân chất độc da cam đã được các trung tâm, cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm ổn định cuộc sống và giúp họ có kỹ năng sống thích ứng với sinh hoạt hàng ngày, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Tại huyện A Lưới, kế hoạch làm sạch đất và nước ở A Lưới đã được Chính phủ cùng các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới đã tổ chức tái định cư cho đồng bào 3 xã ở khu vực lân cận sân bay A So (gồm A Đớt, Hương Lâm, Đông Sơn) để bảo vệ sức khỏe người dân. Xung quanh sân bay A So đã thực hiện dự án trồng cây bồ kết để ngăn người và súc vật vào vùng nguy hiểm.

Đặc biệt, mới đây, Bộ tư lệnh (BTL) Hóa học đã khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So. Đây là dự án được triển khai hoàn toàn bằng nguồn lực của Việt Nam từ tài chính đến công nghệ. Các kết quả khảo sát đã cơ bản xác định được khu vực sân bay A So có diện tích ô nhiễm dioxin khoảng 5ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m. Tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000m3, trong đó khoảng 6.600m3 đất có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt (mức ô nhiễm rất nặng). Dự kiến sử dụng công nghệ cô lập và chôn lấp (từng thực hiện trong xử lý tẩy độc tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay Phù Cát (Bình Định) mang lại kết quả tốt), BTL Hóa học sẽ xử lý triệt để ô nhiễm tại sân bay A So, giúp người dân huyện A Lưới yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế.

Còn tại xã Phong Mỹ (Phong Điền), hiện trên địa bàn xã có 34 người tham gia kháng chiến và con đẻ họ bị nhiễm CĐHH đang hưởng chế độ chính sách hàng tháng. Nhưng thực tế, số người hoạt động nằm vùng ở vùng kháng chiến nghi nhiễm chất độc da cam còn nhiều hơn, nhưng do chưa được giám định hoặc không có hồ sơ lưu. Vừa qua, hội đã khảo sát, kê khai khoảng 20 trường hợp là con cháu bị khuyết tật nghi nhiễm CĐHH và tổng hợp danh sách gửi lên cấp trên để được khám, giám định cụ thể, ông Trần Minh Trí, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Phong Mỹ (Phong Điền) chia sẻ.

Cũng theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, nhiều trường hợp không còn lưu giữ được các giấy tờ chứng minh đã tham ở vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH theo quy định để làm căn cứ giải quyết chính sách.

Nhiều đối tượng sử dụng huân, huy chương Chiến sĩ giải phóng làm căn cứ lập hồ sơ nhưng khi xác minh với các cơ quan quân đội thì các thông tin được trao đổi, thông báo lại không trùng khớp số quyết định và số lưu trữ tại bằng huân, huy chương Chiến sĩ giải phóng do đối tượng cung cấp; trong khi đó đối tượng khẳng định là nhận từ cơ quan quân sự địa phương chuyển về. Nhiều trường hợp cơ quan quân đội chỉ xác nhận được là không có tên trong danh sách quản lý cấp huân, huy chương chiến sĩ giải phóng, mà không khẳng định được huân, huy chương chiến sĩ giải phóng đó hoặc đối tượng đó có được cấp huân, huy chương hay không. Từ đó, dẫn đến những khó khăn trong công tác giải quyết chính sách, gây bức xúc cho đối tượng.

Một số loại bệnh, tật để làm căn cứ giải quyết chế độ người nhiễm CĐHH là những bệnh rất dễ mắc phải trong sinh hoạt hằng ngày như bệnh đái tháo đường type 2, bệnh rối loạn tâm thần. Hoặc người bị nhiễm CĐHH trước đây bị mắc 1 bệnh đã được giám định xác định tỷ lệ, nay mắc bệnh mới hoặc bệnh cũ biến chứng thì chưa có quy định giám định bổ sung, giám định lại để tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do nhiễm CĐHH.

Trước những tồn tại, khó khăn trong việc xác định đúng đối tượng, giải quyết chính sách cho nạn nhân nhiễm CĐHH, Sở LĐTB&XH kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về việc xác nhận, công nhận, giải quyết các trường hợp tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH phù hợp với điều kiện thực tế. Bổ sung đối tượng là những người có công giúp đỡ cách mạng bị phơi nhiễm CĐHH. Có quy định giám định lại bệnh, tật đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định trước đây, nay mắc thêm bệnh theo danh mục bệnh, tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH.

Khánh Quyên

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Nghệ An kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp
Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức Vì sự tiến bộ phụ nữ
Nghệ An quan tâm giải quyết các vần đề về trẻ em
Thành phố Bắc Kạn: Quan tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Quảng Nam: Tích cực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Hòa Bình: Nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống mua bán người