Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam (Ảnh: UN)
Trước tinh thần dũng cảm của những phụ nữ đã chia sẻ các câu chuyện của mình trong phong trào #MeToo khiến cả thế giới phải xem xét lại vấn đề bạo lực với phụ nữ cần được quản lý và chấm dứt như thế nào, chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân và với những áp lực để tạo ra sự thay đổi. Vấn đề này đang hết sức cấp thiết tại Việt Nam, cũng như trên toàn thế giới. Vấn đề lạm dụng tình dục và hậu quả tiêu cực của nó đối với các nạn nhân dám đứng lên chia sẻ câu chuyện của mình vẫn còn bị phủ nhận và coi thường trong thời gian khá lâu. Phần lớn người gây ra bạo lực là nam giới và phần lớn nạn nhân là nữ giới. Đây chính là những trải nghiệm liên quan đến giới phản ảnh một cách rõ rệt về việc phân chia quyền lực tại nhà, tại nơi làm việc và tại nơi công cộng. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ vào năm 2030 là một cam kết của Chương trình Nghị sự 2030 mà tất cả các quốc gia đều đồng thuận. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi mà chúng ta có thể xây dựng một thế giới không có bạo lực và chúng ta cần phải là một phần của nỗ lực đó. Để có thể làm được việc này, chúng ta cần phải có niềm tin ngay từ ban đầu, bằng việc cho phép nạn nhân kể ra những gì đã xảy ra với họ mà không đổ lỗi, kỳ thị hoặc sỉ nhục. Cần phải có sự thay đổi về văn hóa tại tất cả các nơi làm việc và tất cả các tổ chức - cho dù là nơi công cộng, khu vực tư nhân, tổ chức xã hội dân sự, cơ quan truyền thông hay tổ chức quốc tế đều phải thực hiện quan điểm không khoan nhượng đối với bạo lực hoặc quấy rối dưới bất kỳ hình thức nào. Những người gây ra hành vi lạm dụng và không tuân thủ sẽ phải nhận hậu quả. Không thể tiếp tục coi hành vi lạm dụng tình dục là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống, cho dù người bị lạm dụng là nữ giới hay nam giới, cũng như coi việc chịu đựng là vấn đề riêng của nạn nhân bất chấp những tổn thương cá nhân mà họ phải chịu đựng. Việc này sẽ đòi hỏi cả nam giới và nữ giới phải đứng lên và lên tiếng chống lại lạm dụng tình dục, bao gồm xem xét lại hành vi của bản thân mình, thách thức những kẻ lạm dụng và hỗ trợ nạn nhân.
Trào lưu Me Too đang dần tìm chỗ đứng tại Việt Nam
Liên hợp quốc tại Việt Nam tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc thực hiện chính sách không khoan nhượng về quấy rối tình dục. Không khoan nhượng có nghĩa là ngay cả một trường hợp xảy ra cũng là quá nhiều. Chúng tôi cam kết một môi trường làm việc không có quấy rối tình dục, trong đó mỗi nhân viên đều có giá trị và được tôn trọng. Một nơi làm việc hài hòa, an toàn và tôn trọng chính là vấn đề then chốt để thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi, cho những người mà chúng tôi phục vụ. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các cáo buộc quấy rối tình dục sẽ được phản hồi nhanh chóng, công bằng và hiệu quả.
“Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ và khuyến khích Việt Nam tăng cường các nỗ lực để phá vỡ văn hóa im lặng và không bị xét xử, để đảm bảo vấn đề quấy rối tình dục không được dung thứ trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ nơi nào tại Việt Nam, và pháp luật của Việt Nam cũng như việc thực thi pháp luật tuân theo những cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người”, ông Kamal Malhotra khẳng định.
Trần Huyền