Thời hậu chiến, xót lòng đời sống nữ cựu thanh niên xung phong
(LĐXH) - Tôi vốn cơ quan tâm nhiều đến lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) - đặc thù trong chiến tranh nhân dân của VN.
Hàng vạn nam nữ TNXP đã tham gia phục vụ chiến đấu và trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều trận với quân đội chính quy của đối phương trong khi trang bị và huấn luyện không đáp ứng tối thiểu yêu cầu tác chiến. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ và đỉnh cao là sự vận hành của đường mòn Trường Sơn, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam sau 1975, hình ảnh các nam nữ TNXP phong phanh áo mũ, cuốc xẻng… phục vụ chiến trường như một lực lượng đồng hành cùng quân đội chính quy.
Hậu chiến đa đoan ngổn ngang và khắc nghiệt không kém, có sự lãng quên hay khuát tầm nhìn nào đấy mà hàng vạn cựu TNXP mệt nhoài vì chiến cuộc, nhập cuộc vất vả với đời sống cơm áo gạo tiền, thương tật, cô đơn... Về lý thuyết, mãi gần đây sự quan tâm trong chính sách với cựu TNXP mới rõ ràng, họ sống và chiến đấu hết mình bên cạnh bộ đội song không được xem là một lực lượng căn bản, chính quy.
Khi điểm báo cho nhật báo Tuổi Trẻ TP HCM, tổng hợp tin tức, tôi nhói lòng khi được biết rất nhiều phận đời nữ cựu TNXP – nhất là ở miền Bắc- gặp bất hạnh không hay khó hòa nhập đời sống gia đình, xã hội thời bình khi tuổi thanh xuân và sức lực qua đi, như ngọn lửa mòn... Không hay không đủ học vấn, chuyên môn cùng kỹ năng nghề nghiệp, vốn liếng và quan hệ, họ vật lộn với cuộc sống khi thân mệnh mang sang chấn tâm lý hay tổn thương thực thể. Ở những quốc gia giàu có, chăm sóc quân nhân thời hậu chiến còn nhiêu khê nói chi bên mình, mọi thứ hãy còn nghèo khó bộn bề trăm công nghìn việc phải lo.
… Điểm báo, tôi cắn răng chịu đựng khi biết không ít quý sư cô ngoài đất Bắc có khi nương cửa Phật không chỉ vì niềm tin tôn giáo thuần túy, có khi vì quý vị ấy không còn chỗ tựa nào khác cả về tinh thần, vật chất khi tất cả những gì có được từ tuổi trẻ đến sức lực đã cống hiến cho tổ quốc- họ là những cựu TNXP.
Ơn trời, rồi cựu TNXP cũng được xét đến về chủ trương chính sách vĩ mô, ban đầu là các ban liên lạc, lần hồi tổ chức bài bản và 2004 tổ chức Cựu TNXP ra đời, nhà nước lần lượt ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ đời sống các cựu TNXP, cho dù còn khiêm tốn.
Mấy ngày nay tôi thăm một anh là Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Đông Hải tỉnh Bạc Liêu, và sáng nay dự Hội nghị sơ kết quý III hoạt động của tổ chức này của tỉnh được tổ chức tại hội trường ban dân vận Huyện ủy Huyện Hòa Bình. Có những cựu TNXP miền Bắc, Trường Sơn, Cục R, Miền Tây…Ở đấy, nghe họ trút lòng.
Một chị có tuổi vốn thuộc Tổng đội TNXP trung ương Cục Miền Nam, nay là Chủ Tịch Hội cực TNXP TP Bạc Liêu, nghẹn giọng khi nói về những phận đời của các chị em trong tổ chức, cô đơn không có nổi một mái ấm gia đình đúng nghĩa!
Ngồi bên cạnh tôi là anh Diễn, Phó chủ tịch hội của Bạc Liêu. Tôi nói với anh về ý tưởng liên hệ với các cơ sở tôn giáo đặt vấn đề mong nhận được chia sẻ - hỗ trợ các đối tượng cựu TNXP nghèo khó bất hạnh như nghĩa cử nhân đạo có tính ưu tiên. Rồi tôi lại nói ý như thế với Anh Nhỏ Chủ tịch.
Vật chất là thứ có thể chia sẻ, thế còn tinh thần và đời sống riêng tư của các chị em thì sao?
Đúng như ý anh Diễn thốt lên khi trao đổi: khó!
Đành rằng bài toán nào cũng có cách giải, song quả thực chính tôi cũng chỉ có thể nói như vị Phó chủ tịch kia: khó quá!
Nguyễn Thành Công
TAG: