Thơ Lục Bát với di sản văn hóa dân tộc và những nội dung mới trong Ngày hội Lục bát Kỷ Hợi - 2019
(LĐXH) Ngày 4/9/2019, tại Hà Nội diễn ra Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019 với dự tham gia của đại diện gần 30 Câu lạc Thơ Lục Bát đến từ khắp mọi miền đất nước. Tại Ngày Hội không chỉ có các nghi thức đặc trưng được duy trì đã 11 năm liên tục như: Sắp đặt các Lục Bát quán, Lễ Rước Thơ, Lễ Phát lộc Thơ Lục Bát... mà còn có nhiều nội dung mới, lần đầu xuất hiện, trước công chúng yêu thể thơ truyền thống của dân tộc…
Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc”
Trên tinh thần vì cộng đồng và phi lợi nhuận; nhằm góp phần xây dựng Môi trường sống Văn hóa lành mạnh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc; lần đầu tiên, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Website Lục Bát Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam… tổ chức Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc”, vào đúng ngày 6/8 năm Kỷ Hợi, bằng kinh phí xã hội hóa.
Hội thảo đã thu hút hơn 40 bài viết và ý kiến tham luận của hơn 40 Tác giả là những Nhà nghiên cứu, Nhà thơ có uy tín về thể loại Lục Bát, nhiều người hiện đang làm việc và sinh sống tại nước ngoài.
Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là Hồn quê, là Văn hóa cội nguồn và Tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau, nên dù có làm ăn sinh sống ở đâu, người Việt cũng yêu thơ Lục Bát. Bởi đã là người Việt Nam, thì không ai là không thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng Thơ Lục Bát. Và dù sinh sống ở đâu trên thế giới, thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, đều có những câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê; đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình và nguồn cội dân tộc.
Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm Thơ Lục Bát điển hình, là niềm tự hào của người Việt Nam với thế giới. Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Quỳnh - Chủ bút tạp chí Nam Phong đầu thế kỷ 20 – đã có một câu nói để đời: "Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn". Suy rộng ra: Thơ Lục Bát còn thì Văn hóa Việt Nam còn và Văn hóa Việt Nam còn thì dân tộc ta sẽ trường tồn! Bởi thế, Thơ Lục Bát – Sáu Tám rất xứng đáng được tôn vinh không chỉ quy mô một Quốc gia, mà trên cả thế giới!
Tuy những bài viết có trong tập Kỷ yếu và những ý kiến phát biểu trong Hội thảo chỉ là phần tiêu biểu, chưa phản ánh hết những điều Ban Tổ chức Hội thảo muốn chuyển tải về giá trị Di sản và Tài sản của Thơ Lục Bát trong dòng chảy ngàn năm của Thi ca Việt Nam; nhưng chỉ cần lướt qua danh mục các bài viết và tham luận cũng đủ thấy sự dụng công của nhiều tác giả: Đi tìm nguồn gốc của thể thơ Lục Bát Việt Nam; Phát hiện lại “Việt nhân ca” từ cổ ngữ và Thơ Lục bát; Biến tấu hay khả năng tạo sinh của nhạc điệu Thơ Lục Bát từ nền tảng của ca dao; Những điểm tương đồng giữa Thơ Lục bát và Quẻ Dịch; Thơ Lục Bát với Âm Dương và Chẵn Lẻ; Lục bát lưu giữ và chuyển tải kho tàng kinh nghiệm sống từ hàng ngàn đời; Lục bát là một cõi trời mênh mông nơi thể hiện bản lĩnh của nhà thơ Việt; Thơ Lục Bát và vấn đề Nhịp điệu Thơ; Câu Lục phá cách trong Truyện Kiều; Bàn về Lục bát và ca khúc Việt Nam; Cảm thức Lục Bát; Dòng chảy ngàn năm chưa bao giờ vơi cạn; Hai điểm sống còn trong Thơ Lục bát; Lục Bát là thể thơ Quý tộc của người Việt; Thơ Lục Bát và những biến thể trong Truyện Nôm Việt Nam; Sức sống mãnh liệt của Lục Bát trong dòng chảy Văn hóa Việt; Lục Bát Ca dao và Lục Bát Thơ; Website Lục Bát Việt Nam như một Thư viện oanline lưu giữ không chỉ Lục Bát và hồn dân tộc; Vẻ đẹp mới trong Thơ Lục Bát Việt Nam hiện đại; Tìm hiểu Lục Bát thể thơ đặc thù của dân tộc; Tính thống nhất và sắc thái riêng của thể thơ Lục Bát trong ca dao ba miền Bắc-Trung-Nam; Quá trình hình thành, phát triển và đặc điểm của Thơ Lục bát trong nền văn học nước nhà; Thơ Lục Bát thời “Kinh tế thị trường”; Thơ Lục Bát với việc duy trì bản sắc Văn hóa Dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài; Vị thế đặc biệt của Thơ Lục Bát trong Di sản Văn hóa dân tộc…
Có thể nói, mỗi nhà nghiên cứu đã tiếp cận một góc độ khác nhau, bằng nhiều cứ liệu lịch sử, xã hội và dẫn chứng thuyết phục, đều khẳng định giá trị và vị thế của Thơ Lục Bát trong Di sản Văn hóa Dân tộc; khẳng định trên thực tế Lục Bát đã là Quốc Thi của Việt Nam và xứng đáng là “Di sản Văn hóa phi vật thể” của Quốc gia! Vấn đề là địa phương, tổ chức nào sẽ “đăng cai” làm hồ sơ khoa học cho Thơ Lục Bát, trình lên Hội đồng Thẩm định Di sản Văn hóa phi vật thể, để đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và xa hơn nữa là trình lên UNESCO… để Lục Bát được cả thế giới tôn vinh?
tham gia Ngày Hội Lục Bát Kỷ Hợi 2019.
Website Lục Bát Việt Nam – như một Thư viện online về tư liệu Lục Bát trên mạng internet - sau 11 năm hoạt động đang được nâng cấp với nhiều tính năng mới
Kể từ ngày mùng 6 tháng 8 năm Mậu Tý (2008) - Thời khắc thiêng liêng hiếm hoi, bởi "âm dương đồng nhất lý" (lịch âm và lịch dương trùng nhau), 60 năm mới có một ngày như thế - Một nhóm những người yêu thơ Lục Bát do Nhà thơ Đặng Vương Hưng khởi xướng, đã cho “trình làng” và hòa mạng internet toàn cầu website Lục Bát Việt Nam; với tên miền chính thức www.lucbat.vn và các tên miền khác đều có thể truy cập: ww.lucbat.com – www.lucbat.net; là một trang web cộng đồng, phi lợi nhuận, nhằm tôn vinh hồn quê và quảng bá di sản văn hóa; kết nối Ngoại giao nhân dân và tình Hữu nghị giữa các dân tộc dân tộc; vận động để Thơ Lục Bát được tôn vinh là "Quốc Thi"; và hơn thế nữa: Thơ Lục Bát sẽ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của Quốc gia và nhân loại. Thơ Lục Bát không chỉ là Di sản của cha ông từ ngàn đời truyền lại cho con cháu; mà còn là Tài sản đang tiếp tục sinh sôi và nảy nở cho hôm nay và mai sau.
Qua hơn 11 năm hoạt động, Lục Bát Việt Nam là website cộng đồng duy nhất ở nước ta đã chủ trì việc phối hợp với một số cơ quan Báo chí – Truyền thông tổ chức 11 lần Ngày Hội Lục Bát hằng năm, quy mô toàn quốc, bằng kinh phí xã hội hóa lên tới hàng tỷ đồng; với 02 Kỷ lục Quốc gia được xác lập năm 2018: Tổ chức Ngày hội Lục Bát nhiều năm liên tục nhất (2008 – 2018) và Bộ sách “Lộc Phát” - Thơ Lục Bát tự chọn 10 tập được phát hành trong nhiều năm liên tục nhất (2008 – 2018). Đặc biệt, website còn thiết lập được một thư viện độc đáo và đặc sắc về Lục Bát, với hàng ngàn tác giả và hàng vạn sáng tác mới; cùng hàng trăm bài viết mang tính nghiên cứu, bảo tồn và phát huy Thơ Lục Bát.
Ấn phẩm dùng để “Phát lộc” trong Ngày hội Lục Bát năm nay là Tập thơ Lộc Phát Kỷ Hợi – 2019, do Kỷ lục gia, Nhà thơ Trương Nam Chi chủ biên, đã thu hút được gần 300 tác phẩm của hơn 150 tác giả. Nhiều người trong số họ là những gương mặt quen thuộc đã hàng chục năm nay trong chuyên mục "Lục Bát mỗi ngày" của website Lục Bát Việt Nam. Nhưng cũng có những tên tuổi hoàn toàn mới, lần đầu xuất hiện trong sách Lộc Phát, bởi họ chỉ mới biết đến ấn phẩm độc đáo này, khi tham gia Nhóm cộng đồng Thơ Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội Facebook, với hàng ngàn thành viên... Nhưng dù là tác giả quen thuộc hay mới mẻ, khi đã có tên trong Lộc Phát Kỷ Hợi - 2019, thì tất cả đều xứng đáng được tri ân, bởi họ đã tự nguyện góp phần trí tuệ và công sức để vinh danh Lục Bát - Thể thơ mang hồn vía của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời truyền lại.
Cũng nhân dịp này, trang web Lục Bát Việt Nam đã được đầu tư và đang nâng cấp, cập nhật những công nghệ mới nhất, mang giao diện mới và nhiều tính năng mới. Ví dụ, trang web cho phép đưa bài và ảnh trực tiếp bằng điện thoại thông minh (trước đây, chỉ có thể vào admin qua máy tính). Việc đưa ảnh cũng không khống chế độ phân giải và kích thước. Các tính năng bình luận của người đọc cũng hiển thị nhanh hơn, sự tương tác của tác giả với bạn đọc tiện lợi hơn trước…
Trình làng tập thơ Lục Bát “Phố Quê”
Trong khuôn khổ Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019”, Nhà thơ, Kỷ lục gia Đặng Vương Hưng – Người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam và trực tiếp tổ chức Ngày Hội Lục Bát nhiều năm qua – đã cho công bố tập thơ Lục Bát mới mang tên “Phố quê” gồm hơn 200 bài, được sáng tác trong khoảng 12 năm (2006 – 2017).
Đánh giá về tập “Phố Quê”, Nhà thơ Trần Ninh Hồ (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết: “Với hơn 200 bài thơ Lục Bát mới trình làng, sau gần hai chục năm tưởng chừng Đặng Vương Hưng đã “gác kiếm ở ẩn” thì nay lại “tái xuất giang hồ”. Không biết bao nhiêu việc đời, sự đời trên đường đời này đã hiện ra mà Y không hề tránh né. Nó cứ tuôn chảy như dòng thơ Lục Bát từ nhiều trăm năm qua, khiến Y yêu lục bát đến mức, nếu nối hơn 200 bài thơ lục bát này lại có thể đến hàng ngàn câu mà Y rất ít bị vấp, bị gò. Đấy là chưa kể đến việc Y còn có nhiều đóng góp trong việc cách nhịp, gieo vần,… Lục Bát đã giúp Y sự hồn hậu, hóm hỉnh, ngỡ như rất đơn giản mà thấm thía nhiều lẽ đời. Cái lẽ đời ấy phải chăng cũng là chất “trí tuệ” mà các nhà phê bình lý luận thường luận bàn. Nó rất giống cái từ ghép trong dân gian là “Thấm Thía”. Đã “Thấm” rồi còn “Thía”. Chữ “Thía” như một nét khắc nào đó trong nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, đã thấm sâu vào hồn quê từ ngàn đời. Để ngày nay, “chàng thợ cày trên cánh đồng chữ nghĩa” Đặng Vương Hưng may mắn được kế thừa và phát huy”…
Tập thơ Lục Bát “Phố Quê” dày 240 trang, giá lẻ chỉ có 100.000 đồng/ cuốn, sẽ được phát hành bằng cách: Người yêu thơ cung cấp họ tên, địa chỉ, điện thoại… Tác giả sẽ trực tiếp tặng chữ ký và gửi sách đến nhà cho bạn đọc theo đường bưu điện./.
Thảo Lan
TAG: