Tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, trong đó có lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ vừa thoát nghèo
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Theo ông Lê Văn Lạc - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương, hàng năm Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thị xã đều xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã, phường lên kế hoạch, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp tổ chức thực hiện. Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo chương trình được phân công thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện tại các địa phương và có đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện về thường trực Ban Chỉ đạo thị xã, theo định kỳ và đột xuất. Qua đó, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời giúp cho người nghèo tại địa phương giảm bớt khó khăn.
Ông Lê Văn Lạc cho biết, trên cơ sở vốn ngân sách được phân bổ, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thị xã Cai Lậy đã triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và đạt được kết quả khả quan. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ điều kiện tìm kiếm được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Từ đó, nguồn vốn giải quyết việc làm và giảm nghèo của thị xã được tăng dần hàng năm. Việc xét cho vay vốn của Chương trình giảm nghèo giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế của thị xã Cai Lậy. Qua đó, được nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo tham gia hưởng ứng tích cực.
Chương trình tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo phát triển kinh tế được đẩy mạnh trong thời gian qua trên địa bàn. Với 10 hộ nghèo được vay vốn với số tiền 363.000.000 đồng; 48 hộ cận nghèo được vay vốn với số tiền 2.030.000.000 đồng; 153 hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền 7.559.000.000 đồng. Từ chương trình này, nhiều lao động được tạo việc làm, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo khắc phục khó khăn triển khai làm kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi heo, bò từng bước vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, trong năm 2023, thị xã Cai Lậy đã triển khai hỗ trợ 696 thẻ BHYT cho các hộ nghèo và 2.275 thẻ BHYT cho các hộ cận nghèo; miễn giảm học phí cho 100% học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang theo học các trường…
Tư vấn về các chương trình xuất khẩu lao động tại địa phương
Cùng với đó, Ngân hàng chính sách xã hội thị xã đã giải ngân triển khai 211 dự án, trong đó có việc cho vay giải quyết việc làm với kinh phí hơn 9,95 tỷ đồng. Qua đó, Trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn giới thiệu lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa lao động sang làm việc có thời hạn tại thị trường các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc … Trong năm 2023, Chương trình đã giải quyết việc làm cho 967 lao động, trong đó tạo việc làm mới là 421 lao động và đưa 46 người đi làm việc có thời hạn tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan,.. đạt tỷ lệ 177% so với chỉ tiêu tỉnh giao.
Ngoài ra, thực hiện Thông tư số 190/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ Tài Chính quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội; Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện, Phòng đã phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch thị xã Cai Lậy chi hỗ trợ tiền điện năm 2023 cho 338 hộ nghèo. Cùng với đó, hỗ trợ hàng tháng năm 2023 cho 5.968 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí thực hiện 2,9 tỉ đồng/tháng.
Song song với việc thực hiện tốt các dự án, việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo, được thị xã Cai Lậy đẩy mạnh trong thời gian qua và đạt kết quả tốt. Trong đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thị xã Cai Lậy cùng với UBND các xã, phường trên toàn địa bàn đã tích cực vận được 4 căn nhà đại đoàn kết với số tiền là 200.000.000 đồng.
“Qua triển khai việc xã hội hóa công tác giảm nghèo, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh của địa phương được quan tâm đầu tư từng bước được cải thiện và nâng cao. Nhiều hộ nghèo tại đia phương được hỗ trợ nhà ở, đã có ý thức phấn đấu làm ăn, tích lũy vươn lên ổn định cuộc sống; đặc biệt một số hộ gia đình đã xây được nhà ở khang trang”, ông Lạc chia sẻ.
Hộ ông Phan Văn Nhật, ấp Tân Hiệp, xã Tân Phú, thị xã Cay Lậy được hỗ trợ nuôi dê từ bước vươn lên ổn định cuộc sống
Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,63%
Ông Lê Văn Lạc - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH thị xã Cai Lậy cho biết, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác giảm nghèo tại địa phương những năm qua đã đạt kết quả đúng với kế hoạch. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 đã giảm mạnh. Trong năm 2023, thị xã Cai Lậy đã có 84 hộ thoát nghèo. Hiện số hộ nghèo của thị xã Cai Lậy hiện còn 250 hộ, tỷ lệ 0,69%; số hộ cận nghèo còn 710, tỷ lệ 1,95%. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới địa phương tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác giảm nghèo. Phấn đấu, đến cuối năm 2024 sẽ thoát nghèo 20 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,63%.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra, đại diện Phòng LĐ-TB&XH thị xã Cai Lậy cho biết, thời gian tới Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng, ban, đơn vị tham mưu kịp thời UBND thị xã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo tại địa phương về các chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Triển khai thực hiện các dự án và tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã, đảm bảo thời gian hoàn thành theo đúng quy định.
Hộ ông Trần Văn Trắng, ấp Tân Hòa, xã tân Phú, thị xã Cay Lậy được hỗ trợ dê nuôi phát triển kinh tế
Cùng với đó, UBND thị xã Cai Lậy tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên toàn địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng gây lãng phí, thất thoát, tham ô, tham nhũng trong thực hiện chương trình hỗ trợ người nghèo. Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo; triển khai đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn trong sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng thu nhập từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trương Đăng