Thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt
(LĐXH) - Sáng ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng thế giới, Bộ phận Kinh tế và Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam (DFAT) tổ chức Hội thảo “Thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt”.
Tham dự có Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam; Ông Christophe Lemiere, Trưởng nhóm Phát triển Con người, Ngân hàng Thế giới; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Về phía địa phương, có lãnh đạo Sở Lao động – TBXH tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các Sở Lao động – TBXH đã và đang triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt; đại diện các Viện nghiên cứu, các cơ quan cung cấp dịch vụ thanh toán...
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Mục tiêu của Hội thảo là nhằm đánh giá khả năng ứng dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ chính sách ASXH ở Việt Nam; Tham vấn kế hoạch triển khai thí điểm không dùng tiền mặt các chính sách ASXH tại 3 tỉnh, thành phố; Đề xuất các giải pháp thực hiện thí điểm chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH nhấn mạnh: Thanh toán điện tử trong thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội là xu thế mà nhiều quốc gia hiện nay đang áp dụng. Thanh toán điện tử sẽ tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, tiện lợi và về lâu dài giúp họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của các hình thức thanh toán không tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng, ATM, dịch vụ ngân hàng trực tuyến Internet banking, ví điện tử, QR code và các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số khác. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tích cực đón nhận hình thức thanh toán mới này bởi sự tiện lợi và tốc độ nhanh chóng, do đó hình thức thanh toán này ngày càng được sử dụng thường xuyên hơn trong các giao dịch trực tiếp tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Qua khảo sát cũng cho thấy, các công nghệ thanh toán mới đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, đa số người tiêu dùng cho biết, họ quan tâm đến phương thức thanh toán bằng sinh trắc học, chẳng hạn như sử dụng dấu vân tay hoặc xác thực bằng giọng nói để hoàn thành giao dịch, một số khác người dùng quan tâm đến thanh toán thông qua ngân hàng số. Rõ ràng, nhờ có sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt và nhận thức được tầm quan trọng của xu hướng thanh toán hiện đại này. Điều này được thể hiện rõ qua giá trị và số lượng giao dịch của thanh toán điện tử đều tăng trưởng mạnh hơn qua các năm.
Hiện nay, nước ta có khoảng 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Trong đó có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, khoảng 1,4 triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, ngoài ra còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
Theo thống kê tính đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 15 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 500 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13 triệu người; bảo hiểm y tế khoảng 85 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số. Như vậy, các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng với mức trợ giúp ngày càng cao hơn, đòi hỏi cần phải có công cụ hiện đại hơn trong việc quản lý chính sách và đối tượng tốt hơn.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thúc đẩy phát triển các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử.
Đại diện Ngân hàng Thế giới phát biểu
Để tăng cường quản lý và thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 708) với mục tiêu là: ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân; góp phần cải cách thủ tục hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội đồng bộ, thống nhất, bảo đảm quản lý, cập nhật, khai thác thông tin an sinh xã hội chính xác, kịp thời, minh bạch và hiệu quả; đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý của các cấp, các ngành và đối tượng có liên quan.
Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; và gần đây nhất ngày 26/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước phát biểu
Theo kế hoạch thực hiện Đề án 708 thì hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chính sách trợ giúp xã hội đã và đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thí điểm triển khai thực hiện. Năm 2019, chúng ta thực hiện 2 huyện ở Cao Bằng và mở rộng toàn tỉnh trong năm 2020 và 1 huyện ở Quảng Ninh. Năm nay, dự kiến mở rộng phạm vi sang một số địa phương khác với phạm vi rộng hơn cho các chính sách an sinh xã hội chưa được chi trả bằng phương thức điện tử như chính sách trợ giúp xã hội, người có công và bảo hiểm xã hội. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Tấn Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung: (1) Đánh giá khả năng ứng dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam; (2) Kế hoạch triển khai thí điểm không dùng tiền mặt các chính sách an sinh xã hội tại một số địa phương; (3) Đề xuất các giải pháp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, hiện nay việc chi trả ASXH bằng tiền mặt vẫn phổ biến nhất ở Việt Nam. So với các nước trong khu vực, mức độ sử dụng dịch vụ tại chi nhánh ngân hàng và máy ATM còn thấp. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng cũng thấp. Mô hình đại lý ngân hàng chưa được phép hoạt động. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán (PSP) di động chưa được phép thực hiện chức năng cho khách hàng rút tiền mặt. Do các nguyên nhân như Ngân hàng tập trung ở vùng thành thị, trung tâm, trong khi phần lớn người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không có tài khoản ngân hàng; Nếu có tài khoản ngân hàng cũng khó có thể rút tiền từ tài khoản (không có ATM); Người dân còn thiếu các hồ sơ pháp lý để mở tài khoản ngân hàng (CMND/CCCD); hoặc người dân ngại mất phí khi sử dụng tài khoản ngân hàng...
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt và kết quả thực hiện thí điểm chi trả chính sách ASXH điện tử tại Cao Bằng; Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chính sách an sinh xã hội của Cục Bảo trợ xã hội; Dự kiến Kế hoạch triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chính sách ASXH của 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh; Đề xuất phương án tham gia của các tổ chức cung cấp dịch vụ./.
Hồng Phượng
TAG: