Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Thay đổi thi cử liên tục, khó cho học sinh
02:56 PM 12/09/2017
Bộ GD-ĐT vừa có công văn lấy ý kiến các trường ĐH, CĐ về việc tổ chức bài thi tổ hợp theo 2 phương án khác nhau. Theo đại diện nhiều trường ĐH, phương án 1 là phù hợp cho kỳ thi và xét tuyển năm 2018.
Theo nhiều chuyên gia làm công tác tuyển sinh từ các trường ĐH, việc điều chỉnh về cách tính điểm bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 như một trong các phương án mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến sẽ dẫn đến thay đổi tổ hợp môn xét tuyển, gây ra sự xáo trộn với học sinh trong thời gian ngắn.
Thí sinh làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT quốc gia 2017
Bộ GD-ĐT vừa có công văn lấy ý kiến các trường ĐH, CĐ về việc tổ chức bài thi tổ hợp theo 2 phương án khác nhau. Trong đó phương án 1 giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (giống như năm 2017). Phương án 2 mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi. Bộ GD-ĐT giải thích đưa ra phương án 2 để việc tổ chức và chấm thi đơn giản, dần phát triển các bài thi tổ hợp thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.
Chỉ nên áp dụng đổi mới từ năm 2020
Theo đại diện nhiều trường ĐH, phương án 1 là phù hợp cho kỳ thi và xét tuyển năm 2018. Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, lý giải ngay khi bước vào lớp 10, học sinh (HS) đã có sự lựa chọn các môn học thế mạnh của bản thân để định hướng việc thi ĐH. Nếu năm tới Bộ tiếp tục có sự thay đổi về cách tính điểm bài thi tổ hợp, đồng nghĩa với những thay đổi về tổ hợp môn xét tuyển vào các trường sẽ gây sự xáo trộn với HS trong thời gian ngắn. “Một HS đã có định hướng thi tổ hợp khối A (toán, lý, hóa) sẽ phải học thêm môn sinh của bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên. Mà theo dự kiến, đề thi năm tới sẽ bao gồm kiến thức lớp 10 và 11 chứ không chỉ 12, điều này sẽ gây khó khăn cho HS”, ông Thông phân tích.
Với phương án 2, tiến sĩ Thông cho rằng đây là phương án hay nhưng Bộ có thể công bố ngay trong năm nay để áp dụng cho năm 2020.
Tương tự, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng ủng hộ phương án 1 vì mục đích giữ ổn định, không gây sự thay đổi lớn với HS và các trường. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đồng quan điểm: “Bất kỳ sự thay đổi nào cũng đều tác động đến người học nên cần lộ trình cụ thể. Việc thay đổi cách tính điểm bài thi nếu áp dụng ngay trong năm tới sẽ không chỉ tác động đến người học mà còn cả giáo viên, trường học và phụ huynh”.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng Bộ GD-ĐT nên cố gắng giữ ổn định kỳ thi như năm 2017. “Nếu có thể thì cải tiến một số quy định kỹ thuật cho hợp lý hơn chứ không nên thay đổi nhiều quá”, bà Thủy nêu quan điểm.
Ngoài ra, việc áp dụng bài thi tích hợp 3 môn khoa học tự nhiên, 3 môn khoa học xã hội trong cùng một bài thi sẽ làm biến mất các tổ hợp môn thi thuộc khối thi truyền thống như: A, A1, B, C. Theo đại diện các trường, thay đổi này sẽ tác động trực tiếp đến việc tuyển sinh và định hướng đào tạo của các trường.
Về tổ chức thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, kiến nghị “học gì thi nấy”. Chưa học tích hợp thì cũng chưa thể thi tích hợp. Đã học rời rạc thì tốt nhất là thi rời rạc.
Các trường nên được chủ động tuyển sinh
Ông Lê Trường Tùng đề xuất vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng chỉ 30% tốp dưới (dựa vào kết quả học tập của HS trong các năm THPT) mới phải thi, còn 70% ở trên thì được đặc cách tốt nghiệp. “Các trường THPT phải tự chịu trách nhiệm về danh sách thí sinh được đỗ đặc cách, miễn sao đừng để những em phải thi thắc mắc là xét không công bằng.
Ông Vũ Tuấn Lâm, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cũng cho rằng cần có cơ chế buộc các trường phải tự chủ trong tuyển sinh. “Đúng là hiện nay điểm cao rất nhiều, các trường tốp trên vẫn tuyển được những em khá trở lên vào học ĐH nên chẳng trường nào dại gì không khai thác kết quả thi THPT quốc gia. Nếu không có kỳ thi này, các trường buộc phải suy nghĩ để có phương án riêng. Cũng không cần mỗi trường tự tổ chức thi mà có thể một nhóm trường liên kết với nhau để cùng tổ chức một kỳ thi cho nhóm trường mình. Việc tổ chức nhóm trường để xét tuyển trên cơ sở dữ liệu chung của 2 năm vừa rồi chính là điều kiện thuận lợi để hình thành nhóm thi chung”, ông Lâm nêu ý kiến./.
Theo Thanh Niên
TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ