Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH) – Hướng tới Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh sinh viên lần thứ VII, được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18 đến 20/4/2025, các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để tham dự ngày hội với tinh thần năng động – sáng tạo – khởi nghiệp thành công…

Trường Cao đẳng Quảng Nam với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, nhà trường đã từng bước xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp chiến lược nhằm nâng cấp chương trình theo định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư trang thiết bị đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp… hướng tới hỗ trợ học sinh sinh viên phát triển ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tạo nền tảng vững chắc để học sinh sinh viên lập nghiệp và khởi nghiệp thành công.
Với mục tiêu khuyến khích người học khởi nghiệp, tự tạo ra đội nhóm tham gia vào các hoạt động thực tập kinh doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong điều kiện hiện nay, Trường Cao đẳng Quảng Nam đang thực hiện các mục tiêu của đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1665), phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2030, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lập văn hóa khởi nghiệp, phát huy truyền thống cánh tân, đổi mới, khơi dậy khí thế, tinh thần lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, khát vọng vươn lên, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững. Liên kết thu hút nhân lực, kinh nghiệm trong nước và quốc tế thông qua giới thiệu, quảng bá ý tưởng, dự án khởi nghiệp và cơ hội để cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận, kết nối khởi nghiệp quốc gia. Huy động sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và khởi nghiệp quốc gia.

PGS.TS Vũ Thị Phương Anh – Bí thư Đảng uỷ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam chia sẻ: “Thời gian qua, Trường Cao đẳng Quảng Nam đã chủ động ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản, kế hoạch triển khai Đề án 1665, coi đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là quan điểm, mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của đơn vị. Đặc biệt, có cơ chế, chính sách đối với các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên (cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ khởi nghiệp, vinh danh, khen thưởng, ghi nhận, đánh giá giáo viên, sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp). Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cùng các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Học sinh, sinh viên nghề Quảng Nam lập nghiệp trên nền tảng khởi nghiệp sáng tạo”, Hội thảo khoa học quốc gia "Khởi nghiệp sáng tạo và liên kết doanh nghiệp - phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới", Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển ý tưởng khởi nghiệp của học sinh sinh viên, kết nối doanh nghiệp, định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”, triển khai thực hiện cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp”, tích cực tham gia chuỗi hoạt động tại ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo – Techfest Quảng Nam, xây dựng các chuyên đề về khởi nghiệp và đưa vào chương trình đào tạo, sinh hoạt chuyên đề. Hình thành đội ngũ cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp và thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên… Bố trí kinh phí hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên, duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ sinh viên khởi nghiệp, có dự án khởi nghiệp của sinh viên tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” liên tục trong 5 năm. Để các dự án của học sinh sinh viên triển khai hiệu quả, đội ngũ giảng viên của nhà trường luôn theo sát để hỗ trợ, tư vấn, kết nối và lập báo cáo về kết quả hỗ trợ triển khai dự án khởi nghiệp hàng năm. Nhà trường thành lập và kiện toàn Câu lạc bộ khởi nghiệp với mục đích tạo sân chơi cho tất cả học sinh viên, giúp các bạn trẻ hình thành những ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi còn đang theo học tại trường. Triển khai thực hiện và tham gia các cuộc thi, trưng bày sản phẩm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật các cấp và có nhiều sản phẩm đạt giải thưởng, trong đó, có 2 dự án đạt giải Ba và giải Khuyến khích tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng” năm 2024…”

Sinh viên Nguyễn Văn Dũng, lớp Chăn nuôi thú y K17, Khoa Nông lâm, Trường Cao đẳng Quảng Nam là một trong những sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp lọt vào vòng Chung kết của Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ VII, tự hào chia sẻ: “Thời gian học tập và rèn luyện ở Trường Cao đẳng Quảng Nam, em được các thầy cô giáo nhiệt tình và có trách nhiệm bồi dưỡng kiến thức cũng như định hướng về khởi nghiệp sáng tạo, đã giúp em có được ý tưởng sản xuất sản phẩm khử mùi trong chăn nuôi. Khi áp dụng, sản phẩm sẽ đem lại không khí trong lành cho chuồng nuôi, đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi, người chăn nuôi, thân thiện với môi trường, tiện lợi cho các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ… Với tính khả thi, cơ cấu chi phí và giá thành hợp lý, tính độc đáo, sáng tạo cùng những phân tích, đánh giá về khả năng tăng trưởng, phát triển thị trường… chúng em đang rất háo hức chuẩn bị cho vòng Chung kết sẽ đạt thành tích cao cho ý tưởng độc đáo này…”
Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp trong từng học sinh, sinh viên
Việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp giúp học sinh, sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm đồng thời tổ chức tìm kiếm và phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, để tiếp tục hỗ trợ, ươm tạo thúc đẩy việc thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp, gia tăng quy mô hệ sinh thái khởi nghiệp; kết nối các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa ra những giải pháp cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả giúp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng quan trọng và cần thiết. Đặc biệt, công tác kết nối các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp, tăng cường gắn kết xây dựng mạng lưới hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng như kết nối với các doanh nghiệp định hướng đào tạo sẽ đóng góp nhiều hơn trong công tác hoạch định chiến lược từ thể chế, chính sách đến huy động nguồn lực, cả về tài chính và nhân lực, góp phần phát triển các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Bà Trần Minh Huyền – Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: “Khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện của doanh nhân, mà còn là hành trình học sinh, sinh viên rèn luyện bản lĩnh, nuôi dưỡng ước mơ, tự tạo việc làm và kiến tạo giá trị cho cộng đồng. Đó là tinh thần xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án 1665 – Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Thời gian đầu, khởi nghiệp còn là khái niệm khá mới với phần lớn học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Sau hơn 7 năm, triển khai thực hiện đã chứng kiến một sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, từ phong trào đến hình thành hệ sinh thái trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Đến thời điểm này, hệ thống chính sách, văn bản hướng dẫn đã được xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác hỗ trợ khởi nghiệp; Công tác bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên được triển khai mạnh mẽ; Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được đẩy mạnh thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite; hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về khởi nghiệp được tổ chức tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo sân chơi sáng tạo và môi trường thực tiễn để các em thể hiện ý tưởng. Đặc biệt, phong trào xây dựng không gian sáng tạo, mô hình câu lạc bộ khởi nghiệp đã phát triển rộng khắp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp…”

Khởi nghiệp là quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới bằng công nghệ, ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo. Nó có tính mới, đột phá, khả thi, tác động, góp phần giải quyết vấn đề xã hội, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống… Chính vì vậy, Đề án 1665 không chỉ hỗ trợ, mà còn truyền lửa – để khơi dậy khát vọng khởi nghiệp trong từng học sinh, sinh viên; từng bước hình thành một thế hệ lao động trẻ năng động, bản lĩnh, góp phần đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ và cất cánh./.
Hữu Bắc