An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thành phố Thái Nguyên: Quan tâm thực hiện công tác giảm nghèo
03:38 PM 13/12/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, công tác giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố có 539 hộ nghèo, tỷ lệ 0,61%; 602 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,69%.
Bàn giao bò thuộc Dự án "Vỗ béo bò" cho hộ nghèo tại xã Đồng Liên từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
Ngay sau khi UBND tỉnh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 662/QĐ-UBND ngày 30/01/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Ban hành Kế hoạch 122/KH-UBND 05/5/2023 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, với mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố năm 2023 còn 0,54%; hộ cận nghèo còn 0,64%. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, hộ nghèo của thành phố giảm còn 414 hộ, tỷ lệ 0,47% (vượt kế hoạch), hộ cận nghèo giảm còn 513 hộ, tỷ lệ 0,58% (vượt kế hoạch). 
Kết quả thực hiện các dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo, tính đến tháng 11/2023, thành phố Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 03 Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo: Vỗ béo bò, vỗ béo bò 3B và vỗ béo trâu; 02 Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp: Chăn nuôi bò sinh sản và nuôi bò Lai Sind sinh sản; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững.
Ngày 22/10/2023, thành phố đã tổ chức Ngày hội việc làm thành phố Thái Nguyên năm 2023 tại trường THPT Ngô Quyền, với sự tham gia của 25 doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động cùng tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển lao động; hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xin việc.
Từ đầu năm đến nay, thành phố tổ chức 04 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 07 lớp đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho 330 học viên trong đó hộ nghèo 04 người, hộ cận nghèo 09 người.

Cùng với đó, thành phố đã tổ chức 02 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho trên 500 người là cán bộ làm công tác giảm nghèo của các phường, xã, xóm tổ trên địa bàn; trong tháng 12 năm 2023 tiếp tục tập huấn 03 lớp nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo của các phường, xã, xóm tổ trên địa bàn. Thành phố đã cấp thẻ BHYT cho 896 người nghèo, 1.148 người cận nghèo với tổng kinh phí 1.837,272 triệu đồng.
Trong công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, thành phố đã hỗ trợ nhà ở cho 11 hộ, trong đó xây mới 03 hộ, sửa chữa 08 hộ, kinh phí hỗ trợ là 350 triệu đồng (hỗ trợ xây mới 50 triệuđ/nhà, sửa chữa 25 triệu đồng/nhà). Năm 2023 có 48 hộ nghèo được hỗ trợ nước sinh hoạt kinh phí thực hiện 144 triệu đồng; thành phố hiện có 398/414 (= 96,13%) hộ nghèo; 100% hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các phòng, ban, đơn vị liên quan tổng hộ hộ nghèo hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet để thực hiện hỗ trợ theo quy định.
Triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực hiện các dự án “Vỗ béo bò” - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Dự án “Chăn nuôi bò sinh sản - mô hình giảm nghèo Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ” từ nguồn kinh phí năm 2022 chuyển sang năm 2023.
Kết quả các phường, xã được kiểm tra cho thấy, Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được kiện toàn, tổ chức thực hiện theo kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đã ban hành, quy trình rà soát hộ nghèo được thực hiện theo quy định. Tại các phường, xã có hộ tham gia dự án, đã thành lập Ban quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, việc lựa chọn hộ tham gia đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định.
Từ Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hộ nghèo trên địa bàn thành phố Thái Nguyên được hỗ trợ trâu, bò để phát triển sản xuất, kinh tế gia đình
Theo Phòng Lao động – TBXH thành phố, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Giảm nghèo bền vững đã trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ thành phố đến cơ sở; đa số nguồn vốn thực hiện Chương trình được đảm bảo, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, bố trí vốn phù hợp với đặc điểm, nhu cầu trên địa bàn.
Công tác truyền thông, nâng cao trách nhiệm về giảm nghèo đa chiều được triển khai sâu rộng; Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề… được lồng ghép triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2024, thành phố Thái Nguyên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,45%; hộ cận nghèo còn 0,56%. Người nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, thành phố. Từ đó có việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống và tự lực vươn lên thoát nghèo. Giảm nghèo một cách bền vững; từng bước nâng mức sống hộ nghèo. Hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các hộ thành thị và nông thôn trên địa bàn.
Thành phố tập trung thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về công tác giảm nghèo trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp xã, đây là yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu của kế hoạch giảm nghèo.
Thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, hộ nghèo dân tộc thiểu số; khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách về giảm nghèo./.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dành những điều tốt nhất đối với người có công bằng trách nhiệm tri ân
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại