Thành phố Sông Công: Triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
(LĐXH)- Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) cũng tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo, qua đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, kinh tế - xã hội địa phương phát triển tích cực.
Thành phố tập trung triển khai các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững
Theo kết quả điều tra hộ nghèo cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều của thành phố Sông Công là 3,55%, trong đó: tổng số hộ nghèo: 353 hộ, chiếm tỷ lệ 1,91%, tổng số hộ cận nghèo: 303 hộ, chiếm tỷ lệ 1,64%. Tỷ lệ hộ nghèo không có khả năng lao động chiếm trên 40% tổng số hộ nghèo toàn thành phố, tỷ lệ hộ nghèo không có khả năng lao động cao là một trong những nguyên nhân khó khăn trong triển khai thực hiện các giải pháp giảm nghèo trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch giảm nghèo năm 2023 nói riêng và giai đoạn 2023-2025 nói chung.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn thành phố là 4.235,267 triệu đồng, trong đó: Ngân sách trung ương là 2.836 triệu đồng; ngân sách địa phương (Ngân sách thành phố) là 426 triệu đồng; kinh phí năm 2022 chuyển sang 2023 là 973,267 triệu đồng. Thành phố phấn đấu giảm 75 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó hộ nghèo là 51 hộ và hộ cận nghèo là 24 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 05 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND thành phố Sông Công đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023; phân bổ vốn triển khai thực hiện Chương trình cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, đôn đốc các đơn vị được cấp vốn khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung của dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình.
Thành phố gắn Chương trình giảm nghèo với các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội để giúp người dân tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn hỗ trợ
Theo đó, thực hiện Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo: Tổng nguồn vốn được giao: 1.795,5 triệu đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 1.560,5 triệu đồng; Ngân sách thành phố: 234,5 triệu đồng. Tính đến tháng 10/2023, các xã, phường được phân bổ nguồn vốn đang trong quán trình hoàn thiện hồ sơ dự án trình UBND thành phố phê duyệt đối với 03 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, cụ thể: 01 dự án sản xuất cộng đồng chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Bình Sơn và 02 dự án sản xuất cộng đồng chăn nuôi bò sinh sản tại phường Cải Đan và phường Lương Sơn. Tổng số đối tượng hưởng lợi là 54 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.
Đối với Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong đó Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2023, tổng nguồn vốn được giao cho thành phố là 837,5 triệu đồng. Thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 01 dự án phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Tân Quang đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố thẩm định, phê duyệt theo quy định. Tổng số đối tượng hưởng lợi là 23 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Các dự án đa dạng hoá sinh kế và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp do các xã, phường triển khai cơ bản đã phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và đặc điểm của các đối tượng tham gia dự án.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình như: tổ chức Hội nghị khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tổ chức 03 lớp tập huấn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình cho hơn 400 đại biểu là Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố và Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp xã, phường và 200 đại biểu cấp xóm, tổ dân phố...
Bên cạnh đó, thành phố Sông Công cũng chú trọng thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên như: giải ngân vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, thoát cận nghèo 6 tháng đầu năm 2023 cho 45 lượt hộ với tổng kinh phí 2.600 triệu đồng; tiếp tục thực hiện ứng trả chậm phân bón các loại cho nông dân chăm sóc cây trồng, thực hiện chương trình ô mẫu; Tư vấn nghề, việc làm cho 297 lao động nữ... Ngoài ra, còn hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở và chính sách hỗ trợ an sinh xã hội. Hiện nay, toàn thành phố đang quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho 1.870 đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí 6 tháng đầu năm trên 7 tỷ đồng.
Trong năm 2023, thành phố Sông Công phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,28%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,13% so với cuối năm 2022. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận các chính sách giảm nghèo, phổ biến các mô hình giảm nghèo và gương thoát nghèo có hiệu quả; ưu tiên hỗ trợ người nghèo, người nghèo dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng tháo gỡ vướng mắc trong cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo có đất nằm trong khu quy hoạch các dự án, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tại Chương trình là hỗ trợ 100 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở trong giai đoạn 2021-2025.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tạo động lực thực hiện chương trình giảm nghèo. Gắn thực hiện Chương trình giảm nghèo với triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển kinh tế-xã hội của thành phố để thông qua các chương trình, đề án giúp hộ nghèo, người nghèo có điều kiện thuận lợi tiếp cận các hoạt động của dự án, mô hình sản xuất, tiếp cận các chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Bố trí vốn kịp thời thực hiện các chương trình, dự án và chính sách giảm nghèo; lồng ghép nguồn lực với chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và các chương trình khác hướng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững; tập trung các hoạt động và nguồn lực ưu tiên đầu tư trước cho các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở các địa bàn này./.
Hồng Phượng
TAG: