Thành phố Cần Thơ tích cực giảm nghèo bền vững
(LĐXH)-Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo cơ sở pháp lý cần thiết cho quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Năm 2023, thành phố Cần Thơ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, để cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2023, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thành phố Cần Thơ năm 2023 và các văn bản triển khai thực hiện (03 Quyết định, 01 kế hoạch, 11 Công văn), các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan để triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực hiện kế hoạch số 82/KH-UBND, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và người dân về công tác giảm nghèo, chính sách đối với người nghèo, các hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm nhân rộng mô hình sinh kế giảm nghèo, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình đăng ký mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu trái cây, hỗ trợ phòng trừ chuột; “kỹ thuật canh tác lúa sạch - hữu cơ”; đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số…. trong thực hiện Chương trình.
Công tác điều phối thực hiện theo Quy chế ban hành, thống nhất trong quản lý, điều hành về Chương trình cũng như thống nhất đầu mối trong tổ chức điều phối, phối hợp thực hiện Chương trình; Quy chế quy định cụ thể mối quan hệ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo thành phố, các thành viên có trách nhiệm phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Chương trình như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình:
Sở phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 2 “Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp”; Phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai Dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp lồng ghép đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn” và Dự án 6 “Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình tập huấn nâng cao năng lực các bộ phụ trách giảm nghèo cấp huyện, cấp xã”; Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai Dự án 4 “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố”.
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện Dự án 5 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”.
Sở Y tế phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 2 “Cải thiện dinh dưỡng”.
Công tác phối hợp được triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn xã hội và đã đạt mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo thành phố còn 0,21%, giảm 0,31%/năm, vượt so với mục tiêu đề ra giảm 0,20%/năm. Đặc biệt, hiện nay, thành phố có 31 mô hình sinh kế giảm nghèo, có 287 hộ (trong đó 20 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo tham gia mô hình) với nguồn kinh phí 11.076 triệu đồng, trong đó vốn vay Ngân hành Chính sách xã hội Chi nhánh thành phố Cần Thơ với số tiền là 5.776 triệu đồng, vốn huy động là 5.300 triệu đồng tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ nghèo ở địa phương.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể vận động từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” đã sửa chữa, xây dựng và bàn giao 610 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với kinh phí là 30.800 triệu đồng.
Chính sách trợ giúp về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện vượt chỉ tiêu (nguồn vận động xã hội hóa) kế hoạch đề ra, đây là sự nỗ lực rất lớn của thành phố cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã chung tay góp phần xóa nhà ở tạm bợ trên địa bàn và giúp người nghèo an cư, lạc nghiệp có điều kiện tập trung làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, thành phố Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm giảm 0,06% tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,15% so với hộ dân; giảm 0,06% tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống còn 0,47% so với hộ dân tộc thiểu số; phấn đấu giảm ít nhất 219 hộ nghèo so với đầu năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, giảm ít nhất 06 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Cùng với đó, thành phố duy trì và nhân rộng 31 mô hình sinh kế giảm nghèo nhằm tạo việc làm, thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo./.
Mỹ Hạnh
TAG: