Thanh Hóa: Triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên toàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 2021, các mục tiêu giảm nghèo của tỉnh về cơ bản đã hoàn thành, tỷ lệ giảm nghèo chung cả tỉnh, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, tỷ lệ giảm nghèo ở các hộ là đồng bào DTTS đều đạt mục tiêu đề ra.
Ngày 4/11/2013, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Nghị quyết 09 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện đến năm 2020". Nghị quyết đã tạo sự đồng thuận, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức và Nhân dân trong việc thực hiện công tác giảm nghèo.
Quan Hóa là huyện nghèo 30a của tỉnh Thanh Hóa. Xác định mục tiêu của Nghị quyết 09, huyện đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng trên địa bàn căn cứ tình hình thực tế, ban hành Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo. Đồng thời, ban hành một số chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, như: Đề án về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới; Đề án phát triển chăn nuôi; phát triển vùng nguyên liệu; thâm canh rừng luồng; phát triển du lịch sinh thái…
Mô hình trồng lúa tẻ nương ở các bản đang được triển khai được hộ nghèo tham gia
Bà Phạm Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: Thực hiện các chương trình kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09, xã đã xác định, một trong những nội dung về xây dựng nông thôn mới là tập trung giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
"Trên địa bàn xã, chúng tôi cũng đang tập trung xây dựng các mô hình là chăn nuôi lợn, chăn nuôi dê, vỗ béo trâu bò và mô hình trồng lúa tẻ nương ở các bản. Đó là các mô hình hiện nay đang được duy trì rất tốt ở các bản trên địa bàn xã", bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch xã chia sẻ.
Từ chủ trương và những giải pháp, cũng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của huyện Quan Hóa giảm từ 35,46% đầu năm 2016 xuống còn 4,84% năm 2021; bình quân giảm 5,1%/năm. Đời sống Nhân dân dần được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người từ gần 15 triệu đồng năm 2015, tăng lên gần 24 triệu đồng năm 2021. Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, chính sách dân tộc được thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Như Xuân là huyện đi đầu của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 09 về giảm nghèo nhanh và bền vững. Để công tác giảm nghèo lan tỏa, đi vào chiều sâu và giảm nghèo bền vững, Ban Xóa đói, giảm nghèo các cấp đã phân công thành viên phụ trách ở từng thôn, làng, trực tiếp điều hành, chỉ đạo sản xuất, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ, để vận động Nhân dân trồng rừng theo các dự án, nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; đồng thời tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật lâm nghiệp cho dân. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, cán bộ, đảng viên đã đi trước, làm trước trong việc chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, coi đây là những khâu đột phá để phát triển kinh tế.
Trong 5 năm (từ 2016 - 2020), huyện Như Xuân đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để triển khai các chính sách dân tộc thông qua Chương trình 135 và các chương trình, dự án khác. Huyện đã đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế…; hỗ trợ người dân xây dựng hàng chục mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nhiều mô hình được nhân ra diện rộng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, năm 2021 chỉ còn dưới 2% (giảm 35,33% so với năm 2015), bình quân hằng năm giảm 7,07%. Tính đến thời điểm này, Như Xuân là địa phương duy nhất của khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa thoát khỏi danh sách huyện nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ.
Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi có bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,8% (năm 2020 đạt 8,5%); quy mô kinh tế của các huyện miền núi năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt 36.896 tỷ đồng, chiếm 15,6% GRDP toàn tỉnh.
Đến năm 2021, tỷ lệ xã có đường giao thông đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 92%; tỷ lệ hộ dân được dùng điện lưới đạt 99,8%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 81,1%; tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn các huyện miền núi đạt 80,4%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99,47%; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 88,6%; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 90,3%, tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn đạt 55%... tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh, trong đó 6 huyện nghèo cao gấp 2,1 lần bình quân chung toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3,66%/năm (theo tiêu chí nghèo đa chiều).
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 2021, các mục tiêu giảm nghèo của Thanh Hóa về cơ bản đã hoàn thành, tỷ lệ giảm nghèo chung cả tỉnh, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, tỷ lệ giảm nghèo ở các hộ là đồng bào DTTS đều đạt mục tiêu đề ra.
Giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hóa sẽ thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, với mục tiêu phấn đấu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo. Đồng thời từng bước cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đều được hưởng các chính sách, chế độ và dự án ưu tiên với nhiều giải pháp sát thực, mang lại hiệu quả cao, giúp người dân chủ động vươn lên thoát nghèo. Hiện, Thanh Hóa đặt mục tiêu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm trở lên, phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn./.
Thu Hương
TAG: