Thanh Hóa: Những nỗ lực trong công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi
Những ngày này, có dịp trở lại các huyện miền núi, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay rõ nét trên những con đường, từng ngôi nhà, các công trình phục vụ dân sinh. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm, chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác giảm nghèo ở miền Tây xứ Thanh.
Ấn tượng nhất là huyện Mường Lát hôm nay không còn cảnh giao thông đi lại khó khăn như trước, đặc biệt, với cách làm linh hoạt, sáng tạo trong xóa đói, giảm nghèo, đời sống đồng bào dân tộc nơi đây đã có những bước phát triển vượt bậc. Mường Lát một trong những huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh. Để khắc phục khó khăn, huyện đã thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Điểm nổi bật được Mường Lát triển khai hiệu quả là Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020.
Chăn nuôi thỏ, hướng làm giàu bền vững của nhân dân xã Hải Long, huyện Như Thanh
Qua triển khai thực hiện, các địa phương trong huyện đã nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết cũng như đề ra những giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ đó cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đồng thời tổ chức lồng ghép, phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án. Huyện Mường Lát cũng đã triển khai 12 mô hình giảm nghèo với gần 2.500 hộ gia đình tham gia, tiêu biểu như mô hình trồng dưa hấu; hỗ trợ bò giống; chăn nuôi gia súc dưới tán rừng; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ lương thực cho người nghèo vùng giáp biên giới... Ngoài ra, huyện đã xây dựng chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020 với 23 chỉ tiêu và 5 chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội.
Sau gần 3 năm thực hiện các khâu đột phá và 5 chương trình trọng tâm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm của huyện ước đạt 7% (nghị quyết đại hội đề ra 8,8%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến hết năm 2017, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản là 22,38%, công nghiệp - xây dựng 36,45%, dịch vụ 41,17%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 71,4% năm 2015, giảm xuống còn 57,91% năm 2017, đạt chỉ tiêu theo nghị quyết đại hội đảng bộ huyện đề ra (giảm từ 6%/năm trở lên)...
Đối với Như Thanh, huyện đã đẩy mạnh việc thực hiện lồng ghép chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững (giai đoạn 2011-2016) như Chương trình 30a, 135, 134, chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thanh Hóa... Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học - kỹ thuật... Nếu như năm 2010 bình quân thu nhập của người dân là 10,5 triệu đồng/người, đến năm 2017 tăng lên 27,1 triệu đồng; nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá với mức thu nhập hằng năm đạt từ 100-150 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Như Thanh bình quân giảm 7%/năm.
Huyện Quan Sơn luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, với nhận thức đó, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay giúp đỡ và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,32% năm 2016, xuống 27,2% năm 2017, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo vươn lên làm ăn khá, tỷ lệ hộ tái nghèo giảm hàng năm...
Với những nỗ lực trong công tác giảm nghèo, kinh tế - xã hội các huyện miền núi đang từng ngày khởi sắc, góp phần to lớn trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững ở khu vực miền núi xứ Thanh.
PV
TAG: