An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình giảm nghèo
01:59 PM 19/11/2018
Khu vực miền núi xứ Thanh có tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số cao, điều đó tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh cùng các sở, ban, ngành địa phương trong tỉnh thông qua hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế để hàng ngàn hộ nghèo thay đổi tư duy, nhận thức, học tập trong cách làm ăn, giúp người nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Tiêu biểu, từ năm 2011 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai xây dựng 13 mô hình phát triển sản xuất cho hơn 100 hộ thanh niên trên địa bàn tỉnh với kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản, trồng nấm, nuôi gà, trồng cà chua theo hướng VietGAP... Trong đó, mô hình trồng bưởi Diễn, cam V2, trồng cỏ chăn nuôi bò sinh sản được triển khai tại các hộ dân thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa (Như Xuân) đã và đang mang lại kinh tế cao và được nhân rộng, phát triển, thu hút thêm 179 hộ mới tham gia vào các mô hình giảm nghèo trên.
Cùng với công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Hội đã phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng nhiều mô hình kinh tế ở các huyện miền núi. Điển hình các dự án nuôi dê sinh sản theo hướng bán chăn thả tại xã Trung Xuân (Quan Sơn), sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thành Vân và Thành Tiến (Thạch Thành); mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại xã Bình Sơn và Thọ Bình (Triệu Sơn)...

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ngoài ra, còn nhiều mô hình giảm nghèo được các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đã giúp cho hàng ngàn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, đó là 160 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ, trong đó có 25 HTX, 135 tổ hợp tác, tổ liên kết của 25 huyện, thị xã, thành phố thực hiện, thu hút trên 3.000 thành viên tham gia. Tiêu biểu như tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản tại xã Giao Thiện (Lang Chánh), xã Sơn Thủy (Quan Sơn). Năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng, duy trì nhiều mô hình có hiệu quả cao, mang lại giá trị kinh tế cho hội viên phụ nữ như mô hình trồng rau sạch, cây ăn quả, dược liệu... thành lập 4 HTX phát triển kinh tế tạo việc làm cho nhiều lao động và tăng thêm thu nhập cho các hội viên...
Có thể nói, hàng trăm mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được nhân rộng đã góp phần quan trọng, cải thiện điều kiện sinh kế cho người dân; diện mạo khu vực miền núi của tỉnh đang thực sự đổi mới, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2013 đến nay có trên 31.000 hộ nghèo và trên 7.000 hộ cận nghèo đã thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 27,9% xuống 13,03%). Tuy nhiên, để bảo đảm sinh kế bền vững, trong thời gian tới các địa phương thực hiện dự án cần chú trọng lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và phong tục, tập quán của người dân từng địa phương. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ người nghèo chỉ có thể thoát nghèo nếu bản thân họ biết tự nỗ lực vươn lên. Công tác xóa đói, giảm nghèo chỉ thật sự bền vững khi bản thân người nghèo tự chủ trong chính việc thoát nghèo của mình.

PV
TAG:
Tin khác
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’
Thị trường bưởi, quất cảnh 'vỉa hè' ảm đạm
Đọ dáng linh vật Tết Ất Tỵ: “Bé Na” nào sẽ đăng quang?
Những khu giải trí từng hot nhất Hà Nội: Hoàng kim rồi vụt tắt
“Bữa ăn hạnh phúc” cùng 662 phần quà được trao cho học sinh trường Khao Mang
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”